>>>Bài 1: Tăng trưởng ấn tượng
>>>Bài 2: Hội nhập và phát triển bền vững
Tạo điều kiện thu hút đầu tư
Nghị quyết số 25-NQ/TU về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 xác định các giải pháp để công nghiệp của tỉnh có bước đột phá trong giai đoạn 2021 – 2025; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn hơn nữa vào ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, phù hợp lợi thế của từng vùng: Khu vực phía Nam của tỉnh và thành phố Tuyên Quang ưu tiên phát triển các ngành: Chế biến gỗ, giấy, điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến đồ uống, dược phẩm; khu vực phía Bắc của tỉnh ưu tiên phát triển các ngành: Dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm và dược liệu,…
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty TNHH giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án.
Riêng từ năm 2021 đến nay, tỉnh có 42 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư trên 6.625 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án có giá trị sản xuất công nghiệp cao như: Dự án thủy điện Sông Lô 8A công suất 27 MW, 8B công suất 27 MW, Dự án thủy điện Sông Lô 7 công suất 36 MW; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy Tissue; Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao Tuyên Quang; đang thực hiện các thủ tục để mở rộng 1 tổ máy của nhà máy Thủy điện Tuyên Quang trong giai đoạn 2021 – 2025 công suất 120 MW; đầu tư thủy điện Yên Sơn công suất 90 MW; chủ trương dự án điện sinh khối Erex với quy mô công suất 50 MW. Cơ bản hoàn thành dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) tạo quỹ đất sạch làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thực hiện các dự án sản xuất;…
Các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 2010) từ 14.395 tỷ đồng năm 2020 lên trên 20.450 tỷ đồng năm 2023, ước năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 23.730 tỷ đồng, tăng 64,8% so với năm 2020. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hết năm 2025 đạt trên 27.700 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm (2021 – 2025) trên 14%, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết XVII Đảng bộ tỉnh đề ra.
Các dự án công nghiệp phụ trợ hiện cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư đổ về với nhiều dự án có tầm quan trọng như dự án Nhà máy sản xuất, gia công thiết bị tai nghe Future of sound VINA; Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử K-Electronic II hiện đang trong quá trình đầu tư dự án. Ngoài ra là các nhà máy sản xuất bao bì, vải bạt…
Phấn đấu thành vệ tinh ngành công nghiệp hỗ trợ
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Sản xuất chè xuất khẩu tại Công ty cổ phần chè Sông Lô.
Cụ thể, về công nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển Tuyên Quang trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp chế tạo công nghệ cao tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, dệt may, da giày, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ tập trung tại huyện Sơn Dương; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, gỗ, lâm sản tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa; phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Tỉnh đang có dư địa rất lớn để thu hút và phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Như nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và hạ tầng giao thông, công nghiệp đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Công thương tiếp tục duy trì quy mô, công suất các dự án sản xuất chế biến, đặc biệt triển khai nhanh và có chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Trong năm 2024, Sở Công thương tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào sản xuất theo đúng thời gian đăng ký đối với các dự án sản xuất công nghiệp chế biến đã có chủ trương đầu tư, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm như: mở rộng Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, mở rộng Nhà máy gang thép Tuyên Quang, Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang… Kiên quyết xử lý đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai, không thực hiện đúng quy định. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao gắn với liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh lân cận.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất, và để công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công thương tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh thân thiện với môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử.
Với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh cộng với tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu, lao động, kỳ vọng ngành công nghiệp của tỉnh sẽ phát triển đúng hướng, trở thành vùng vệ tinh công nghiệp chế tạo công nghệ cao.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-san-pham-cong-nghiep-bai-cuoi-no-luc-xay-dung-vung-ve-tinh-199607.html