PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; TS Phạm Duy Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Tân Trào chủ trì buổi tọa đàm.
Các đại biểu dự buổi Tọa đàm khoa học.
Dự buổi Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; các Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan của tỉnh Tuyên Quang.
Nhiều tham luận
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tập trung vào 4 đề dẫn lớn: Môi trường sáng tác cho các nhà văn, nhất là nhà văn người dân tộc thiểu số ở phía Bắc; vai trò hỗ trợ, khích lệ của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố; một số đại học trong vùng như Hạ Long, Thái Nguyên, Tây Bắc, Hùng Vương, Tân Trào góp phần kết hợp giữa tri thức và sáng tạo; độ mở cho các nhà văn trong vùng giao lưu quốc tế…
Các phó giáo sư, tiến sỹ chủ trì buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm khoa học, các đại biểu nghe, thảo luận các chuyên đề: Văn học dân tộc thiểu số miền núi nửa thế kỷ tiếp nối và phát triển; Thực trạng văn học dân tộc thiểu số Tuyên Quang sau năm 1975; Định hướng sự phát triển của văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang từ sau năm 1975; Một vài cảm nhận về văn học các dân tộc thiểu số Tuyên Quang sau năm 1975; Văn học Tuyên Quang hình thành và phát triển; Văn học các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc từ sau 1975 đến nay: Thực trạng và tiếp nhận; Thực trạng sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay; Diện mạo văn học thiểu số phía Bắc từ sau 1975 đến nay; Các sáng tác của Y Phương trong dòng chảy văn chương các dân tộc thiểu số Việt Nam sau 1975; Tiếng thơ từ đại ngàn của các nữ dân tộc thiểu số phía Bắc đương đại; Vai trò của giáo dục trong bảo tồn và phát triển văn học dân tộc thiểu số trong thời đại ngày nay, nghiên cứu tại Trường Đại học Tân Trào; Mở rộng cơ hội phát triển văn học dân tộc thiểu số trong bối cảnh đa phương tiện, nhìn từ khu vực miền núi phía Bắc; Thơ ca dân tộc Mông thời kỳ hiện đại với công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Mông hiện nay.
Tạo điều kiện cho văn học dân tộc thiểu số thăng hoa
Tổng kết và bế mạc Tọa đàm, PGS,TS Trần Khành Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, về chủ đề toạ đàm “Văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau năm 1975”, đa số tham luận cho rằng văn học dân tộc thiểu số là “một bộ phận nằm trong dòng chảy của văn học Việt Nam bao gồm sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số viết về dân tộc mình và những vấn đề của đời sống xã hội”.
Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn trình bày tham luận.
Qua nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu tại Toạ đàm cho thấy vấn đề văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau năm 1975 nói riêng được quan tâm, tiếp cận ở nhiều hướng, nhiều góc độ, nhiều phạm vi khác nhau ở cả thực tiễn văn học lẫn lý luận. Các ý kiến phát biểu cho rằng văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay đạt được thành tựu đáng kể về đội ngũ và chất lượng nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc còn một số hạn chế như: Số lượng tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số từ sau năm 1975 ngày càng ít. Đội ngũ nhà văn còn thưa mỏng và phân bố không đều; một số cây bút trẻ không sinh sống và làm việc ở nơi mình đã sinh ra nên sự gắn bó với văn hoá dân tộc bị mai một, không phản ánh được sâu sắc bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số.
Hiện nay có rất ít cây bút dân tộc thiểu số tạo nên những đột phá nghệ thuật. Mặc dù văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc từ sau năm 1975 đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng chưa có những tác phẩm kết tinh vẻ đẹp ngôn ngữ của dân tộc, tạo ra những dấu ấn ngôn ngữ văn học của dân tộc một cách điêu luyện; hiện tượng sáng tác song ngữ gần đây đã có nhưng chưa nhiều; chưa có nhiều tác phẩm, chuyên đề văn học các dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Văn học các dân tộc thiểu số còn bó hẹp trong cộng đồng các dân tộc; công tác quảng bá còn hạn chế, văn học các dân tộc thiểu số chưa được lan toả để tăng sự tiếp nhận; thiếu sự giao lưu giữa văn học các dân tộc thiểu số với văn học của người Kinh và văn học các nước trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Các ý kiến tham luận toạ đàm đã thống nhất cho rằng cần có định hướng, đề ra các giải pháp cần thiết như: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn học các dân tộc thiểu số đối với nền văn học Việt Nam, đối với việc bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá dân tộc; có những chủ trương, chính sách, hoạch định chiến lược để phát triển, phát huy, bảo tồn văn học các dân tộc thiểu số hiện nay; đầu tư phát triển và phân bố đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số hợp lý; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, khuyến khích tài năng, đặc biệt quan tâm đội ngũ nhà văn trẻ; không để tình trạng có địa bàn, có dân tộc thiểu số không có người sáng tác văn học.
Cùng với đó quan tâm thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động của các Hội văn học, nghệ thuật địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần để các Hội thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nhằm tạo môi trường đủ sức kích thích niềm đam mê và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà văn các dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ lý luận, phê bình văn học các dân tộc thiểu số.
Chú ý mối liên kết mật thiết giữa các Hội Văn học, nghệ thuật với các trường đại học ở khu vực phía Bắc; tăng cường vai trò đỡ đầu, quản lý và hỗ trợ hoạt động văn học của các cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật địa phương nhằm tạo nên những cú huých và sự khích lệ hiệu quả đối với hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn học các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bên cạnh đó cần mở rộng giao lưu văn học giữa các tỉnh thành, địa phương và Trung ương, giao lưu văn học quốc tế, trong đó có giao lưu với văn học các dân tộc thiểu số với văn học của người Kinh, với văn học các nước; chú trọng những sáng tác song ngữ vì đó là cầu nối quan trọng để những sáng tác đến với đông đảo công chúng; tăng cường số lượng tác giả, tác phẩm, chuyên đề văn học các dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Đồng thời mở rộng cơ hội phát triển văn học dân tộc thiểu số trong bối cảnh đa phương tiện, tận dụng tối đa những lợi thế, ngăn chặn những tác động tiêu cực của thời đại công nghệ để gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, khơi gợi niềm từ hào bản sắc dân tộc, đặc biệt là đối với những cây viết trẻ.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/toa-dam-khoa-hoc-van-hoc-cac-dan-toc-thieu-so-phia-bac-viet-nam-tu-sau-nam-1975!-194560.html