Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước cơ bản đã được hoàn thiện. Qua nghiên cứu thấy rằng các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước đã được cụ thể hóa trong các chương, điều, khoản của Luật Tài nguyên nước năm 2023, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 36/TW-KL về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà nêu câu hỏi chất vấn.
Trong đó, yếu tố cốt lõi là vấn đề phân công, phân cấp đảm bảo nguồn lực và đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của địa phương trong giám sát thực thi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay được triển khai như thế nào?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Luật Tài nguyên nước đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật như: điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh….
Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 1/7/2024. Theo đó, nghị định đã phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Trong đó, thẩm quyền địa phương cấp phép chiếm 94% tổng số giấy phép. Thẩm quyền của Bộ TNMT chỉ chiếm khoảng 6%, chủ yếu là các công trình hồ chứa nước lớn có ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh, vận hành liên hồ chứa thực hiện nhiệm vụ cắt giảm lũ, cấp nước hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách luật về tài nguyên nước để đảm bảo các chính sách được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.