Quang cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tại phiên thảo luận đã có 57 đại biểu Quốc hội phát biểu, 3 đại biểu Quốc hội tranh luận. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã phân tích khái quát những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp khả thi trong thời gian tới.
Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã có những giải pháp, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cùng với những quyết sách của Quốc hội đã giúp kinh tế-xã hội nước ta đạt được kết quả rất tích cực. Thảo luận tại hội trường, tại tổ và trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí bên lề kỳ họp, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá và các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh; cải thiện thị trường tiền tệ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay.
Về việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho rằng: Việc triển khai thực hiện ba chương trình còn chậm; văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các chương trình thấp, nhất là giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương…
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ, ngành và địa phương khắc phục những hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; quản lý điều hành, thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối ngân sách, an ninh tài chính, ngân sách quốc gia… Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nêu ý kiến đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực, bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước thực trạng hiện nay, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc chính sách về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực trạng cán bộ e ngại, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vừa qua.
Bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện và có các quy định rõ hơn về văn bản liên quan công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Theo đại biểu, bên cạnh việc kiên quyết, mạnh tay xử lý cán bộ cố tình vi phạm pháp luật, cần có “chính sách khoan hồng” tạo điều kiện để những cán bộ do những bất cập về cơ chế, chính sách hay do nôn nóng “vượt rào” trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương mà vi phạm, tự giác khai báo, khắc phục hậu quả, có cơ hội chuộc lỗi.
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc nghị định của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hoan nghênh Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, các đại biểu cho biết hiện còn thiếu văn bản hướng dẫn Nghị định và đề nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để cán bộ, công chức các cấp, các ngành yên tâm thực thi công vụ.
Đầu tuần thứ 3 của đợt 1 kỳ họp thứ 7 diễn ra phiên chất vấn (từ ngày 4/6 đến 6/6). Quốc hội chất vấn tập trung vào bốn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa, thể thao và du lịch. Chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội là các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn và trả lời chất vấn đã được cân nhắc kỹ lưỡng, sát thực tiễn, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Đây thật sự là những vấn đề thời sự quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong đời sống kinh tế-xã hội, quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Đây là cơ hội đối với các thành viên Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trước cử tri, nhân dân cả nước và Quốc hội về việc thực hiện các cam kết, về các kết quả đạt được, cũng như giải trình, làm rõ và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện những vướng mắc, khó khăn hiện nay được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Những nội dung tiếp theo của kỳ họp thứ 7 sẽ được Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao nhất trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả, đáp ứng ngày càng cao nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân.