Mã quét QR code đặt tại Khu di tích Quốc gia đền Pú Bảo, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) rất thuận tiện cho du khách trải nghiệm.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết: “Chú trọng chuyển đổi số trong phát triển du lịch, huyện Lâm Bình đã triển khai các nội dung như: thanh toán các khoản dịch vụ trong du lịch bằng quét mã QR; thực hiện đặt phòng, giữ phòng, đặt tour tuyến qua online; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tiềm năng phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của huyện qua các trang mạng xã hội và nền tảng số. Qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX kinh doanh về lĩnh vực du lịch giảm được chi phí về nhân công, chi phí quản lý và rút ngắn được khoảng cách giữa khách du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ”.
Thông qua mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok, thời gian qua anh Nguyễn Văn Tăng, tổ dân phố Khau Quang, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) đã tự mình đi vào từng bản làng, từng ngóc ngách cuộc sống của đồng bào các dân tộc để livetreams giới thiệu những hình ảnh đẹp về bản sắc văn hóa, ẩm thực, sản vật của quê hương và các điểm du lịch của huyện để quảng bá đến du khách. Thông qua những video, thước phim đạt đến hàng triệu view của anh trên các nền tảng số đã góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người, danh lam thắng cảnh đẹp của quê hương Lâm Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hiện nay, mã QR Code được dán, đặt tại các nhà hàng, cơ sở homestay, bến thủy hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, các thuyền du lịch dẫn du khách đến cổng thông tin điện tử huyện Lâm Bình. Ở đó, có rất nhiều thông tin hữu ích về du lịch huyện Lâm Bình để du khách khám phá, lựa chọn và trải nghiệm. Việc tích hợp mã QR vào các địa điểm du lịch đã giúp du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống, đặc biệt là đối với khách du lịch tự do và không có các thuyết minh viên hoặc hướng dẫn viên đi cùng.
Thông qua các nền tảng mạng xã hội, du khách đã biết đến những địa điểm du lịch và nhiều hoạt động của huyện Lâm Bình.
Phấn khởi khi lần đầu tiên đến trải nghiệm tại Lâm Bình, anh Nguyễn Đức Thành, du khách đến từ Thanh Hóa, cho biết: “Tôi có thể không cần phải mang theo nhiều tiền trong túi mà có thể quét mã QR, tất cả mọi thứ đều có thể thanh toán. Ngoài ra, tôi cũng biết đến các dịch vụ ở huyện Lâm Bình qua trang fanpage, trên các nền tảng số, do đó rất thuận tiện để có một chuyến đi thành công.
Đặc biệt tại nhiều điểm đến tôi thấy huyện lắp đặt bảng mã QR số hóa điểm đến và bản đồ du lịch huyện, tôi đã truy cập để tìm hiểu thông tin và thấy rất dễ dàng tiếp cận, biết thêm nhiều thông tin chi tiết hơn. Ngoài ra, khi tôi liên hệ qua số di động của Fanpage, tôi đã được tư vấn rất chi tiết, đội ngũ hướng dẫn viên đã chủ động lên chương trình cho nhóm tận tình, chu đáo. Tôi hài lòng và đánh giá cao thông tin từ trang Fanpage “Du lịch Lâm Bình Tuyên Quang”…
Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar Travel, quản lý vận hành Homestay Nặm Đíp và Bản Bon (Lâm Bình) chia sẻ:
“Trên 80% việc tìm kiếm khách hàng và các dịch vụ của homestay là thực hiện qua internet như: Đăng ký tạm trú cho khách nội địa được thực hiện trên Cổng thông tin quốc gia; khách nước ngoài thì trên hệ thống xuất, nhập cảnh của tỉnh. Đồng thời, tôi cũng chủ động tìm kiếm khách hàng qua mạng xã hội, thông qua các kênh như Facebook, Google, Booking, Agoda, Tiktok… với quan điểm là sáng tạo nội dung phù hợp với từng kênh, như: Sử dụng Google Map tập trung chia sẻ hình ảnh về homestay; kênh Tiktok làm video chia sẻ về du lịch trải nghiệm. Chuyển đổi số du lịch thực sự có hiệu quả cao hơn nhiều so với những cách làm truyền thống trước đây và cũng tạo sự tiện lợi cho cả khách du lịch và chủ kinh doanh”.
Với những nỗ lực trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch đang góp phần giúp huyện Lâm Bình phấn đấu trở thành một điểm đến trọng điểm du lịch của tỉnh Tuyên Quang và là điểm sáng của du lịch vùng cao.