Khu vực trồng rau mầm trong nhà kính của nông trường VinEco. (Ảnh HỮU NGUYÊN)
Trên thực tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân trong cả nước đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với diện tích hàng triệu héc-ta mang lại hiệu quả cao. Việc áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất, công lao động, phân bón, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản… và tăng thu nhập cho nhân dân.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tùy theo loại cây và địa phương áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhưng nhìn chung công nghệ này đã giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 50%; giảm chi phí công lao động từ 10 đến 90%.
Xanh hóa vùng đất “khát”
Nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận được ví như “tiểu sa mạc” do khí hậu nắng nóng quanh năm, lượng mưa ít. Với 23 hồ chứa nước, dung tích hơn 300 triệu mét khối vào mùa khô lượng nước ở các hồ giảm xuống còn 50% cho nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp.
Để bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất, nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, từ đó biến những vùng đất cát hoang hóa thành những cánh đồng trồng măng tây, rau an toàn… xanh tốt, mang lại thu nhập cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương chia sẻ: “Hiện nay, nông dân trên địa bàn đang áp dụng hai cách là tưới phun mưa và nhỏ giọt. Hệ thống tưới lắp đặt khá đơn giản gồm: Máy bơm, bồn nước, đường ống chôn ngầm và lắp van điều tiết tại vườn. Cách làm này tiết giảm từ 20 đến 40% lượng nước trong mỗi lần tưới; trong đó, một số loại cây trồng cạn, cây lâu năm có giá trị kinh tế cao có thể tiết kiệm được 60 đến 70% lượng nước so với phương pháp tưới tràn truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giảm được 30% công lao động, tăng năng suất cây trồng từ 15 đến 20%/vụ và tăng thu nhập từ 15 đến 20%/vụ”.
Mặc dù gần nguồn nước sông Cái nhưng phần lớn diện tích vườn cây ăn quả của đồng bào dân tộc Ra Glai ở các thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chủ yếu trên đồi, núi cao nên việc cung cấp nước tưới cho cây trồng trước đây không dễ dàng. Nhờ áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, hàng trăm héc-ta sầu riêng, bưởi da xanh của nhân dân trong xã hiện nay vẫn xanh tốt dù đang trong mùa khô.
Nông dân Po Po Bi, dân tộc Ra Glai, thôn Bạc Rây 1 phấn khởi cho biết: “Cách đây ba năm, mô hình tưới tiết kiệm bằng béc phun mưa vẫn còn khá xa lạ với chúng tôi. Trước đây, người dân chủ yếu bơm nước để tưới tràn cho từng gốc cây nên nguồn nước tưới thiếu trước hụt sau và tốn nhiều chi phí. Năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ và từ nguồn vốn tự có hơn 30 triệu đồng, gia đình lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Đến nay, hơn một héc-ta trồng bưởi da xanh đang phát triển xanh tốt và cho những lứa quả đầu tiên”. Những ngày đầu tháng 5, khí hậu tại Ninh Thuận rất nóng nhưng khoảng 190 ha trồng nho tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn xanh mướt, trĩu quả. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An Nguyễn Khắc Phòng chia sẻ: “Mặc dù nước ở ao Bàu Tró đã cạn nhưng khu vực chuyên trồng nho tại thôn Thái An vẫn phát triển xanh tươi nhờ bà con nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm rất hiệu quả”.
Thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có diện tích đất nông nghiệp khoảng 215 ha nhưng phần lớn là đất cát bạc màu. Trong điều kiện khắc nghiệt đó, đồng bào dân tộc Chăm nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm để biến những vùng đất cằn cỗi thành những cánh đồng xanh tốt quanh năm.
Theo người dân nơi đây, nếu tưới theo cách truyền thống, nước tưới bị thất thoát nhiều gây lãng phí và làm xói mòn đất, tăng chi phí. Đáng chú ý, vào mùa khô hạn, nguồn nước khan hiếm cho nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Ông Từ Công Toán, xã An Hải chia sẻ: “Khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn, gia đình tôi đầu tư 25 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tầm thấp cho 7.000m2 đất trồng cây măng tây, hành, rau cải, lạc và dưa hấu mang lại hiệu quả rõ rệt. Khi tưới tự động, lượng nước được điều tiết phù hợp cho nên tiêu tốn nước rất ít và không bị thất thoát như cách tưới truyền thống”.
Tưới nước phun sương cho vườn xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Giảm chi phí sản xuất
Thời gian qua, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức, hành động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều hộ nông dân mạnh dạn, chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, ước tính có hàng trăm nghìn hộ gia đình áp dụng công nghệ này vào sản xuất.
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới hiện đại giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với hạn hán. Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được nhiều doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch, thông minh để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có hàng trăm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này…
Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: “Đến nay, trên địa bàn cả nước có 1,84 triệu héc-ta cây trồng áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm hơn 16% diện tích. Trong đó, khu vực miền núi phía bắc 106.000 ha, Đồng bằng sông Hồng 231.000 ha, Trung Bộ 275.000 ha, Tây Nguyên 146.000 ha, Đông Nam Bộ 199.000 ha và Đồng bằng sông Cửu Long 883.000 ha.
Ở những vùng bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tưới tiết kiệm nước ngày càng được người dân quan tâm, áp dụng rộng rãi. Theo thống kê, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể giảm mức độ thiếu nước, mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 đến 80%, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón từ 5 đến 40%.
Thực tế này cho thấy, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang chứng tỏ là một giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu”.
Mới đây, Viện Khoa học thủy lợi miền nam đã thực nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân trên cây sầu riêng tại hộ ông Ngô Tấn Trung, ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) với diện tích 2 ha. Điểm mới của mô hình này là hệ thống kết nối công nghệ thông tin, giúp nông dân có thể dễ dàng theo dõi và điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp với độ ẩm của vườn.
Ngoài ra, mô hình còn kết nối với hệ thống dự báo thời tiết trong bán kính 50 đến 100 km, giúp nông dân nhận biết sớm các biến đổi của thời tiết. Theo Tiến sĩ Trần Thái Hùng, Viện Khoa học thủy lợi miền nam, kết quả thực nghiệm mô hình bước đầu cho kết quả tốt về mức nước tưới và lượng phân bón cho cây trồng.
Phần mềm ứng dụng điều khiển trên điện thoại giúp nông dân kiểm soát độ ẩm và thời tiết để có thể lên kế hoạch điều khiển tưới trong tương lai. Sau thời gian ứng dụng mô hình, ông Ngô Tấn Trung chia sẻ: “Gia đình tôi thấy triển khai sản xuất theo mô hình này rất hiệu quả. Hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm thời gian và công lao động so với tưới thủ công.
Mặt khác, hệ thống dựa vào các cảm biến độ ẩm trong vườn cung cấp thông tin qua điện thoại để có dữ liệu để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp, giúp tiết kiệm nước khoảng 50% so với cách truyền thống, tưới nhỏ giọt thấm sâu không lãng phí nước. Đáng chú ý, hệ thống còn có thể theo dõi tình hình thời tiết tại vườn và khu vực chung quanh để chủ động tưới tiêu và phòng ngừa sâu hại”.