Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát về “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ
Tham gia thảo luận, các đại biểu có chung nhận định rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong giải quyết tất cả các vấn đề mà thực tiễn đặt ra vì mục tiêu phát triển đất nước, vì quốc kế dân sinh.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu cũng đồng tình việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo giám sát đã nêu…
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), hạn chế lớn nhất là việc không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi khiến cho mục tiêu đề ra không đạt như kỳ vọng… Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất ban hành chính sách, và cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế. Con người là yếu tố quyết định chính sách thành công hay không.
“Hiện nay có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả”, đại biểu Thông nói và nêu rõ tình trạng này đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)
“Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo tôi là không phải. Chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào?”, đại biểu đoàn Bình Thuận trăn trở.
Đại biểu nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.
Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, trong số các nguyên nhân mà báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra, có một nhóm nguyên nhân chủ quan rất đáng quan ngại, đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
“Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu”, đại biểu kiến nghị.
Đồng tình kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành rất nhanh, rất sớm, thể hiện rất rõ tinh thần “ứng vạn biến” của Quốc hội.
Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ, ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp; chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). (Ảnh: DUY LINH)
Do đó, đại biểu Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 hoặc nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cũng đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 như dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.
Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện trong thời gian phù hợp. Đồng thời, xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc, mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, tỉnh.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu, vì trên thực tế, việc giảm thuế và phí 2 năm qua, hầu như không ảnh hưởng tổng thu ngân sách.
Đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội cho ý kiến với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 này, đồng thời kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.