Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường.
ĐBQH Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đại biểu cho rằng, đây là nghị quyết được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống người dân.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phòng, chống COVID-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi, tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời, phát huy hiệu quả dự án đầu tư, đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng chậm so với yêu cầu đề ra.
Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế chậm được cung ứng; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022-2023.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã phải cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình. Đại biểu cũng chỉ ra một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với các đề xuất của Đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị: Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 với điều kiện vay dễ định lượng hoặc giao lại cho Ngân hàng thương mại thẩm định và chịu trách nhiệm về điều kiện vay, để thạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo phù hợp với đối tượng thụ hưởng quy định tại mục b, điểm 3, Điều 1 của Nghị quyết 88/2019/QH14.
Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đề nghị bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê.
Đối với các Bộ, ngành Trung ương cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,… Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 43.
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai; nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; đảm bảo hoàn thành các dự án và bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án.
Đồng thời, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh theo quy định.