Những nông dân số
Dù còn gặp khó khăn trong hành trình chuyển đổi số nhưng những nông dân số đang từng bước tiếp cận tri thức, làm chủ khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường… hướng tới kinh tế nông nghiệp số.
Không ai nghĩ anh nông dân Trương Công Định, thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương) chỉ vốn quen cày sâu cuốc bẫm lại làm chủ kỹ thuật thiết bị bay không người lái hiện đại bậc nhất hiện nay để phục vụ sản xuất của gia đình và làm thêm dịch vụ. Anh Định chia sẻ, năm 2023, anh đầu tư nửa tỷ bạc mua thiết bị bay để phục vụ chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu, bệnh hại cây trồng. Theo anh Định, để làm chủ được kỹ thuật bay đã phải mất nửa tháng trời khăn gói quả mướp về tận xưởng lắp ráp thiết bị bay để được các kỹ sư dạy bảo hướng dẫn.
Anh Định còn tự mày mò học trên mạng, học qua những người sở hữu thiết bị bay trước mình. Hơn 1 tháng trời học thầy, học bạn, anh mới làm chủ được kỹ thuật điều khiển thiết bị bay. Thiết bị bay đã giúp anh Định rất nhiều trong hoạt động sản xuất. Cụ thể để phun thuốc phòng, trừ sâu bảo vệ cây trồng, anh Định chỉ cần pha thuốc, đổ vào thùng, lắp vào càng máy.
Dùng điều khiển từ xa bấm nút di chuyển thiết bị sẽ đi theo lộ trình, hướng đi đã chọn và làm nhiệm vụ phun thuốc đã được định sẵn, rất nhanh, hiệu quả, giải phóng hoàn toàn sức lao động của người nông dân ở khâu độc hại và nguy hiểm nhất. Anh Định khoe, dù mới đưa vào vận hành, song anh đã nhận được rất nhiều hợp đồng của người dân trong và ngoài huyện làm dịch vụ phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng.
Mô hình trồng rau thủy canh hoàn lưu của anh Hoàng Mạnh Cường, xóm 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đất, anh nông dân Hoàng Mạnh Cường, xóm 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã tự mày mò thiết kế mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu bằng ống nhựa trong nhà lưới cho ra chất lượng sản phẩm cao. Theo anh Cường, tự thiết kế, lắp đặt không những giảm chi phí, hơn nữa sẽ cải tiến được theo nhu cầu, phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.
Hiện tại anh có 600 m2 nhà lưới, toàn bộ diện tích được lắp đặt hệ thống dẫn nước tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước được lưu thông trên toàn hệ thống ống, cung cấp dưỡng chất cho tất cả cây trồng. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều; tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu, bệnh hại.
Đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, rất nhiều nông dân tưởng chừng chỉ quen với công việc cày sâu, cuốc bẫm giờ đã làm chủ được những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất. Họ đã tự giải phóng sức lao động cho mình, nâng cao hiệu suất lao động và tạo ra sản phẩm chất lượng nhất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Đồng chí Nguyễn Công Hàm khẳng định, xác định chuyển đổi số phải bền vững, theo đó tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Mục tiêu xuyên suốt của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp 22 mã số vùng trồng, 2 mã số cơ sở đóng gói chè phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại lớn, đặc biệt là trang trại bò sữa đã thực hiện số hóa với phần mềm hệ thống quản lý đàn DELLPRO và SCR (thiết bị cảm biến trong chăn nuôi) để theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi, tự động hóa điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió trong trang trại…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Viễn thông Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang hỗ trợ ngành nông nghiệp triển khai kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp thông qua tem gắn mã vạch; đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử quốc gia… Tính đến thời điểm này đã có trên 200 sản phẩm OCOP sản phẩm tiềm năng của 100 cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn được đưa lên sàn thương mại điện tử quốc gia. Ông Tuấn khẳng định, đơn vị đang tập trung nhân lực xây dựng kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nền tảng cho ngành nông nghiệp; trung tâm giám sát, điều hành ngành nông nghiệp và các mô hình nông nghiệp thông minh…
Đặc biệt, tại Hội nghị chuyên đề thúc đẩy số hóa trong ngành nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố hoàn thiện thể chế và truyền thông chính sách về kinh tế số và nông nghiệp; nâng cao nhận thức số, tư duy số và hành động số; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhất là khu vực nông thôn; phát triển hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp; đào tạo kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến bán hàng, bảo đảm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh cao.