Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/5. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo tóm tắt, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên rừng; tổ chức bộ máy và biên chế.
Trong đó, có 10 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, dự thảo kiến nghị tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, và HĐND tỉnh được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chính sách này được áp dụng tương tự ở TP Hồ Chí Minh nhưng tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung áp dụng đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan thẩm tra) Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình. Vì, việc cho phép mở rộng lĩnh vực được thực hiện theo phương thức PPP sẽ góp phần giúp tỉnh Nghệ An huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, tận dụng được kinh nghiệm, cách thức, phương pháp đầu tư tiên tiến, hiện đại từ khu vực tư nhân. Chính sách này đã được áp dụng tương tự tại TP Hồ Chí Minh, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc thêm về quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch
Trong số các chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của Nghệ An, Chính phủ đề xuất tỉnh được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. (Ảnh: DUY LINH)
Theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định này vì Nghệ An hiện là tỉnh đang nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, theo đó nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Để tạo đà phát triển, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội miền Tây Nghệ An, rất cần có sự hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công từ ngân sách trung ương.
Việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương nói trên sẽ bảo đảm tính ổn định và công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án; hạn chế, khắc phục được cơ chế “xin cho”. Chính sách này tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có không quá 5 Phó Chủ tịch (tăng một phó chủ tịch so với các tỉnh khác).
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 69/2020/NĐ-CP và Nghị định số 115/2021/NĐ-CP),… đã phần nào tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập về cán bộ, công chức cấp xã và số lượng cấp phó của các địa phương.
Đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, vì vậy, đề nghị cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách này.