Người dân Hà Nội giao dịch mua bán vàng. (Ảnh DŨNG MINH)
Theo kết quả tổng hợp phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có 2 thành viên trúng thầu trong phiên đấu thầu hôm qua. Tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81.330.000 đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng.
34 lô vàng trúng thầu, giá vàng đi xuống
Trước đó, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng khối lượng đưa ra đấu thầu ngày 23/4 là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng; loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sản xuất; tỷ lệ đặt cọc là 10%; giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng; khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng); khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Trong phiên ngày 23/4 có sự tham gia dự thầu của 11 đơn vị, bao gồm bảy ngân hàng thương mại và bốn doanh nghiệp là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc đá quý (DOJI), Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý. Kết quả phiên đấu thầu cho thấy, chỉ có hai thành viên trúng thầu (là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty SJC) với khối lượng trúng thầu chỉ bằng 1/5 lượng vàng miếng SJC mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mang ra đấu thầu bán.
Ghi nhận trên thị trường, sau phiên đấu thầu vàng miếng sáng 23/4, giá vàng trong nước và thế giới đều giảm mạnh. Giá vàng miếng SJC về quanh mốc 79,70-82,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Đến 15 giờ cùng ngày, DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79,70-82,2 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,25 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,5-82,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,55-82,45 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 950 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Cùng thời điểm trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hạ xuống còn 2.306 USD/ao-xơ. Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 68,1 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí liên quan).
Cần giải pháp căn cơ, lâu dài
Nhìn nhận chung về kết quả đấu thầu, giới chuyên môn đánh giá, số lượng thành viên cũng như khối lượng vàng trúng thầu thấp trong phiên ngày 23/4 là điều bình thường. Bởi, hiện tại giá vàng thế giới đang biến động mạnh, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn khi đấu thầu mua vàng. Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, lý do ngân hàng không tham gia đấu thầu vàng lần này là bởi biên lợi nhuận thấp.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá: “11 đơn vị tham gia nhưng chỉ có hai doanh nghiệp trúng thầu với tổng khối lượng 3.400 lượng vàng. Thực tế, nhu cầu thị trường trong nước mang yếu tố tâm lý nhiều hơn. Bên cạnh yếu tố giá, việc tham gia đấu thầu phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC cũng khiến cho doanh nghiệp cân nhắc thận trọng. Bởi giá vàng thế giới hai ngày gần đây đi xuống cho thấy mua vào lúc này không thuận lợi”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Hai phiên gần đây, giá vàng thế giới có xu hướng đảo chiều khiến không chỉ doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng mà kể cả người dân mua tích trữ cũng thận trọng. “Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần một sự ổn định, thị trường ổn định và tâm lý ổn định để họ có thể đưa ra một mức giá phù hợp khi quyết định mua vàng. Do đó, sau phiên ngày 23/4, cơ quan quản lý có thể đấu thầu thêm nhiều phiên nữa phù hợp với diễn biến của thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ làm giảm nhiệt “cơn sốt” hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Mấu chốt vấn đề cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc này. Mặt khác, giá vàng trong nước còn chịu tác động từ giá vàng thế giới, do đó nếu chỉ đấu thầu vàng là không đủ để bình ổn thị trường này.
Cùng chung nhận định, chuyên gia kinh tế-PGS, TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị cần sửa đổi Nghị định 24 một cách toàn diện, cẩn trọng và xem xét tính phù hợp để quyết định sửa đổi như thế nào; cần tăng cường sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với những doanh nghiệp, cửa hàng được phép kinh doanh vàng. Đáng lưu ý, ông Thịnh đề xuất một giải pháp quan trọng là việc xuất hóa đơn điện tử và có kết nối với cơ quan thuế đối với hoạt động mua bán vàng. Từ đó, thị trường vàng sẽ công khai minh bạch, rõ ràng hơn, giúp đầu tư, quản lý vàng trở nên dễ dàng hơn đối với thị trường và nền kinh tế.