Cho vay tiêu dùng tại Mcredit.
15/16 công ty tài chính được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động và dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 138.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Nợ xấu đáng báo động tại các công ty tài chính
Nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, phục vụ đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp một phần quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế không đạt kỳ vọng, trong đó dư nợ tín dụng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống giảm hơn 28%, chỉ đạt 2.890 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, nguyên nhân là do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu. Bên cạnh đó, thời gian qua các loại hình cho vay qua app (ứng dụng) bùng phát với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp,… đã thu hút người dân vay qua app mà không cần đến ngân hàng.
Ông Hùng cho rằng, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng diễn biến theo chiều hướng xấu. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng, đến cuối tháng 2/2024 vào khoảng 4,1%, trong khi từ năm 2018 đến 2023 chỉ khoảng hơn 3%. Xét riêng về nợ xấu trong dư nợ cho vay đời sống tiêu dùng vào khoảng 3,7%, trong khi năm 2022 khoảng 2%. Ðối với nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63%, nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
“Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều công ty tài chính lâm vào cảnh thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó. Một số công ty đã phải thu hẹp hoạt động. “Ðây là thực trạng hết sức nguy hiểm cho nên các công ty tài chính, ngân hàng phải rà soát và giám sát chặt chẽ hơn khi cho vay vốn”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm tội phạm tín dụng đen, các hội nhóm “bùng nợ”…
Bên cạnh đó, thời gian tới, việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.
Ðồng quan điểm, đại diện cấp cao Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Việt Nam – ông Darryl Dong nhìn nhận, trong bối cảnh môi trường kinh tế chính trị ngày càng thách thức, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường. Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hồng Quân cho rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm người đi vay, cần phải xây dựng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân, đồng thời, cần minh bạch hoạt động cho vay tiêu dùng. Trong đó, các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ỳ trả nợ. Ðơn cử, nếu người vay bị đánh giá lẩn tránh, chây ỳ trả nợ tại một ngân hàng hay công ty tài chính sẽ không được cấp tín dụng tại các tổ chức khác, nhất là cấp thẻ tín dụng, vay mua tài sản…
Theo Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Mcredit Lê Quốc Ninh, thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp. Các bên liên quan cần sớm hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm phù hợp thực tiễn hoạt động thu hồi nợ tiêu dùng; cho phép hoạt động đòi nợ thuê được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát thay vì bị cấm như hiện nay.