Phát huy tinh thần chủ động
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 – 2025 khẳng định, sau khi triển khai thực hiện Đề án, ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Chi bộ đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động của đảng viên tham gia ý kiến đóng góp tại mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ.
Công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ được chuẩn bị kỹ lưỡng, tài liệu sinh hoạt chi bộ được chuyển đến các đảng viên trước kỳ sinh hoạt để đảng viên nghiên cứu nội dung, chuẩn bị ý kiến thảo luận. Các cấp ủy đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ cho đội ngũ bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ.
Một cuộc sinh hoạt chi bộ mở rộng tại thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương).
Do đó, kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ của bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ đã được nâng lên. Bí thư chi bộ đã nắm được các kỹ năng gợi mở, định hướng nội dung thảo luận có trọng tâm tại các kỳ sinh hoạt chi bộ. Do đó, ở nhiều nơi, nội dung thảo luận diễn ra sôi nổi, đảng viên đã tích cực, chủ động tham gia thảo luận nhiều ý kiến có chất lượng, quyết định về các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và tham gia ý kiến vào việc xây dựng nghị quyết, kết luận của chi bộ.
Các ý kiến đóng góp thảo luận về công tác lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh trật tự đã có nhiều ý kiến của đảng viên tâm huyết, trách nhiệm, “hiến kế” với chi bộ những cách làm mới, sáng tạo để lãnh đạo đạt hiệu quả, nhất là trong công tác lãnh đạo vận động giải phóng mặt bằng, triển khai các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội…
Trong sinh hoạt chi bộ, nhiều nơi đảng viên đã thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa”, đấu tranh trực diện, thẳng thắn với các biểu hiện tự diễn biến, tự suy thoái về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Vẫn còn ngại va chạm, lười nghiên cứu, nhận thức chưa đầy đủ
Vẫn còn một số nơi, trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, phần thảo luận còn trầm lắng, ít ý kiến hoặc chỉ tập trung vào một số đảng viên tích cực. Không ít đảng viên có tâm lý ngại phát biểu, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, chưa thể hiện rõ chính kiến của mình. Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ rõ: ở một số chi bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết được vai trò, trách nhiệm của đảng viên, vì vậy tính đấu tranh và phê bình của đảng viên còn yếu, nhiều đảng viên né tránh, nể nang, không dám góp ý, phê bình đảng viên là cán bộ lãnh đạo.
Đồng chí Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Bí thư Chi bộ thôn Cả, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) chia sẻ: Trong phần thảo luận tại mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, là người điều hành, bí thư khá vất vả vì có ít đảng viên chủ động tham gia đóng góp ý kiến, trong khi đó để đạt đủ số điểm theo quy định thì cần có từ 5 ý kiến trở lên. Nguyên nhân là do vẫn còn nể nang vì mối quan hệ anh em, họ hàng mà ngại va chạm, ngại phê bình.
Còn theo đồng chí Hoàng Minh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiến Bộ, có những ý kiến tham gia sinh hoạt chi bộ về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế chưa thực sự có chất lượng, năng lực của đảng viên còn hạn chế nên dẫn tới công tác lãnh đạo triển khai thực hiện một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số thôn chưa thực sự hiệu quả, bền vững. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện sinh hoạt chi bộ chuyên đề của Đảng ủy xã Tiến Bộ cũng nêu rõ đảng viên trẻ ít tham gia phát biểu ý kiến, một số nơi chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, còn nể nang, ngại va chạm.
Từ sinh hoạt Chi bộ thôn Gia, xã Tiến Bộ bàn giải pháp vận động Nhân dân hiến đất xây cầu, đến nay chiếc cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo đồng chí Trần Giang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Sơn, thực tế đi dự sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở của đồng chí cho thấy, vẫn còn rất ít ý kiến đóng góp của đảng viên về các giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội hoặc đóng góp vào các chương trình, kế hoạch, nghị quyết.
Đồng chí Ma Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Ngõa, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) cho biết, trong sinh hoạt chi bộ, các ý kiến tham gia thảo luận vẫn chỉ tập trung vào một số gương mặt quen thuộc, một số đảng viên vẫn còn ngại phát biểu, e dè, chưa thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình. Đối với những đảng viên này, ban chi ủy thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể, giao việc tại mỗi kỳ sinh hoạt để kỳ sinh hoạt tiếp theo sẽ định hướng, gợi mở để các đảng viên này đóng góp ý kiến.
Theo báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án số 16 của một số cấp ủy cơ sở, đảng viên tự nhận diện trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm chiếm tỷ lệ nhiều hơn các biểu hiện tự nhận diện khác.
Nói về tình trạng này, đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc đảng viên ít tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ sinh hoạt chi bộ ở một số nơi. Nguyên nhân thứ nhất là đảng viên lười nghiên cứu, học tập nghị quyết, các tài liệu, văn bản liên quan đến nội dung sinh hoạt chi bộ, nghiên cứu chưa sâu về nội dung sinh hoạt chi bộ, thiếu trách nhiệm trong xây dựng tham gia ý kiến với chi bộ. Nguyên nhân thứ hai là còn có đảng viên mang tâm lý sợ sệt, góp ý thì sợ sai, sợ người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân thứ ba là do chính nhận thức của đảng viên chưa đầy đủ về việc tham gia ý kiến đóng góp với chi bộ, về nội dung chi bộ bàn bạc, thảo luận.
Điều hành dân chủ, cởi mở kết hợp phát huy trách nhiệm từng cá nhân
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Kiên Cường đưa ra giải pháp, chi bộ cần phải làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu, các văn bản liên quan chuyển sớm đến đảng viên để đảng viên nghiên cứu, kèm với định hướng, gợi ý thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề mới, khó cần tập trung lãnh đạo. Bên cạnh đó, vai trò của người chủ trì kỳ sinh hoạt chi bộ cũng rất quan trọng. Người chủ trì cần phải tạo ra không khí dân chủ, cởi mở, chân thành trên tinh thần xây dựng. Cấp ủy tổ chức đảng cũng phải tuyên truyền làm cho đảng viên nhận thức được vai trò lãnh đạo của mình trong tập thể lãnh đạo.
Những năm trước đây, việc một số đảng viên ngại ý kiến, còn nể nang, né tránh hoặc biết mà không nói cũng đã diễn ra ở Chi bộ trường Tiểu học Vinh Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa). Nhưng hiện nay, tại mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, các đảng viên tại đây đều hăng hái tham gia ý kiến mà không chờ đến khi phải chỉ định. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không phải lúc nào người lãnh đạo cũng đưa ra kế hoạch hay ý kiến sát, đúng.
Khi cán bộ cấp dưới góp ý dù thuận chiều hay trái chiều thì người điều hành buổi sinh hoạt chi bộ cần lắng nghe, bởi chính cấp dưới là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đối với những ý kiến góp ý của đảng viên xác đáng, phù hợp thì bí thư chi bộ cần phải tiếp thu, giải đáp, động viên, khuyến khích. Bên cạnh đó cũng cần kịp thời chấn chỉnh đối với những ý kiến thiếu tính xây dựng. Đây cũng là bí quyết để chị Huyền khắc phục hạn chế trong sinh hoạt của chi bộ những năm trước đây.
Theo đồng chí Ngụy Văn Thận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị của Đảng, do đó đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chi bộ vừa là yêu cầu vừa là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Để có những ý kiến chất lượng, trước hết mỗi đảng viên phải nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình trong chi bộ, tránh tình trạng sinh hoạt chi bộ chỉ để có mặt.
Đảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao hiểu biết, kiến thức về mọi mặt, am hiểu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, nắm chắc về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lĩnh vực của từng đảng viên.
Có như vậy, mới tạ.o ra sự chuyển biến rõ rệt trong sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi chi bộ.
Thủy Châu
Đồng chí Trần Việt Hùng
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh
Điều hành dân chủ, cởi mở
Trong điều hành sinh hoạt chi bộ, Bí thư chi bộ phải điều hành thật dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ từng đảng viên; chuẩn bị những nội dung chính, những nội dung cần làm rõ, những giải pháp chủ yếu, quan trọng để đảng viên thảo luận; gợi ý để đảng viên thể hiện chính kiến của mình, mạnh dạn, dám nói những băn khoăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bí thư chi bộ là người định hướng thảo luận vào các nội dung khó khăn vướng mắc cần tập trung; tóm tắt khái quát ý kiến phát biểu của đảng viên và kết luận những vấn đề lớn, quan trọng mà chi bộ đã thống nhất để biểu quyết đưa vào nghị quyết, kết luận của chi bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên thực hiện… Một buổi sinh hoạt chi bộ có đạt kết quả tốt hay không,
phụ thuộc phần lớn vào điều hành của bí thư chi bộ.
Đồng chí Vương Kim Thành
Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, Đảng bộ phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)
Đổi mới sinh hoạt chi bộ
Chi bộ tổ dân phố 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có 31 đảng viên, định kỳ sinh hoạt vào mùng 6 hàng tháng. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, chi ủy chuẩn bị kỹ nội dung, ngắn gọn, rõ ràng; tập trung bàn để lãnh đạo và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng trong tổ.
Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, ngoài các nội dung sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, Chi bộ thôn dành nhiều thời gian để thảo luận nội dung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Bên cạnh đó, chi bộ kiểm điểm sâu sắc những gì đã làm được, những gì còn tồn tại tháng trước và hướng khắc phục trong tháng tới. Để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, tất cả các nhiệm vụ đều được đưa ra bàn bạc, được đảng viên đóng góp ý kiến, thảo luận trên nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ.
Bà Nguyễn Thị Dân
Chi Bộ thôn 2, Đảng bộ xã Thái Bình (Yên Sơn)
Chủ động nghiên cứu để tham gia ý kiến
Với trách nhiệm của đảng viên, trước mỗi kỳ sinh hoạt tôi thường chủ động nghiên cứu các văn bản, nghị quyết, bản tin nội bộ của cấp ủy cấp trên. Trên cơ sở đó, tôi đọc kỹ báo cáo của chi bộ để tham gia ý kiến đóng góp làm sáng tỏ những việc làm được, chưa làm được, hiến kế những giải pháp tốt nhất trong việc thực hiện. Là chi bộ nông thôn, ngoài những nhiệm vụ chung, tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn vệ sinh… Rất mừng là những ý kiến đóng góp của bản thân đã được chi bộ tiếp thu đưa vào nhiệm vụ thực hiện.
Ông Lương Văn Giáp
Thôn Cả, xã Minh Thanh (Sơn Dương)
Cần gương mẫu từ mỗi kỳ sinh hoạt
Tôi nghĩ, muốn chi bộ Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thì không ai khác ngoài các đảng viên của chi bộ đó phải nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, các đảng viên phải thể hiện rõ tính chiến đấu, mà biểu hiện rõ nhất là đóng góp ý kiến xây dựng Đảng ngay trong các buổi sinh hoạt chi bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đối với bản thân thì thẳng thắn tự phê bình, dám thừa nhận các thiếu sót, sai lầm, mạnh dạn sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế. Đối với đồng chí, đồng đội thì dũng cảm và có trách nhiệm trong việc phê bình, chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục.
Mỗi một ý kiến đóng góp tốt, chi bộ sẽ xây dựng được kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng đắn. Từ đó, góp phần xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, phồn vinh.