Màn trống hội khai màn Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Một bản anh hùng ca bất diệt
Tháng 3 năm 40, mùa xuân Canh Tý, trước sự áp bức bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định và bè lũ quan lại nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền Đông Hán.
Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để ghi nhớ công ơn của Hai Bà cùng các vị tướng, biết bao những công trình tưởng niệm đã được nhân dân dựng lên. Thống kê cho thấy, có đến hơn bốn trăm nơi thờ cúng các vị tướng của Hai Bà và cả nước hiện có 3 nơi được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng.
Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Mê Linh – Hà Nội (hội ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch) là quê hương Hai Bà; đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (hội ngày 6 tháng 3 âm lịch) là nơi Hai Bà tuẫn tiết; đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (hội ngày 6 tháng 2 âm lịch) là nơi nhân dân rước tượng Hai Bà từ sông Cái lên bờ lập đền thờ. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vẻ vang của dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta.
Mỗi mùa xuân đến, cán bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng lại tưng bừng tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng để ôn lại truyền thống và tôn vinh hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc – Trưng Nhị. Năm 2019, cụm di tích Đình, Đền, Chùa Hai Bà Trưng đã vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích đền Hai Bà Trưng.
Giáo dục truyền thống, ca ngợi tinh thần yêu nước
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024) nhằm giáo dục truyền thống, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Đồng thời, góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, bảo tồn và duy trì nét văn hóa đặc trưng của lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo, hiên ngang phủ nhận cường quyền phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng làm chấn động cả cõi trời Nam và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa lịch sử này cũng đã khắc dấu son đầu tiên, khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm vẻ vang, rạng danh non sông đất nước.
Từ trong ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ấy đã tỏa ra chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã quyết tâm đứng lên, đoàn kết một lòng làm chủ đất nước và số phận của mình thì không một sức mạnh cường bạo nào có thể tiêu diệt được. Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mãi mãi để lại cho chúng ta một sự nghiệp vĩ đại và một di sản tinh thần vô giá. Đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ.
Để chuẩn bị chu đáo, ngày 27-2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng ban Tổ chức lễ hội năm 2024 chủ trì cuộc họp với các thành viên trong Ban Tổ chức để triển khai kế hoạch và phân công công việc cho các đơn vị liên quan. Lễ hội chính năm nay diễn ra vào ngày 15-3 (tức ngày 6 tháng 2 âm lịch) gồm các hoạt động: Lễ dâng hương và Lễ cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống tín ngưỡng vào sáng 14-3-2024 (tức ngày 5 tháng 2 năm Giáp Thìn). Tại di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng, số 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân sẽ có Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào sáng 15-3-2024.
Tự hào với truyền thống vẻ vang và những thành tích đã đạt được, năm 2024, cán bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng quyết tâm phát huy tiềm năng thế mạnh, hăng hái thi đua trong học tập, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ XXVI. Đặc biệt là xây dựng quận, Thủ đô Hà Nội cũng như đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là con cháu của Hai Bà Trưng, con cháu của Bác Hồ vĩ đại.