Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6. (Ảnh: LINH KHOA)
Ông Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 62/62 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật, các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài.
“Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, kết quả được đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Việc nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 16/16 kiến nghị về việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ xét xử trực tuyến; bổ sung số lượng kiểm sát viên; hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự…
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: LINH KHOA)
Về một số hạn chế, ông Dương Thanh Bình nêu rõ, đối với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, còn có chính sách ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chưa được đưa vào cuộc sống do văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đầy đủ về đối tượng được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất nên còn vướng mắc, khó triển khai thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Việc giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân cần có sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của bộ, ngành cùng với sự phối hợp giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng giải quyết kiến nghị cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của một số bộ, ngành Trung ương.
Ông Dương Thanh Bình kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; bảo đảm tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những hạn chế; rà soát xử lý dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, bảo đảm có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.