Hình hài cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đang dần lộ diện
Hiện nay, các nhà thầu tập trung xẻ đồi, vượt sông mở đường tạo mặt bằng thi công với khối lượng đào đắp hàng triệu m3 đất, đá. Tại Km23, đoạn qua xã Tứ Quận (Yên Sơn) hàng chục phương tiện cơ giới cùng cả trăm công nhân được huy động san gạt tạo mặt bằng. Đoạn tuyến này hiện đang giai đoạn mở đường, san đắp nền. Một số hạng mục khác như cống ngầm, hầm cầu chui dân sinh trên tuyến cũng đang được thi công. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, trên toàn tuyến đường đang thiếu khối lượng lớn đất đắp nền, do vướng các quy định liên quan.
Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua huyện Yên Sơn đang dần hình thành.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đến hết tháng 10, toàn bộ 6/6 gói thầu xây lắp phần đường và cầu trên tuyến đã được đồng loạt triển khai với 90 mũi thi công. Giá trị thực hiện đạt khoảng 14,55%.
Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành, Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Đơn vị nhận đảm nhiệm thi công gói thầu 24, có giá trị 720 tỷ đồng. Đến đầu tháng 11, nhà thầu đã triển khai được khoảng 25% sản lượng công trình. Trước đó, từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa lớn, mỗi tháng mưa đến 20 ngày. Đặc biệt là đợt tháng 9 vừa qua, trải qua cơn bão số 3, công nhân trên tuyến phải tạm dừng để khắc phục hậu quả. Để đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, và theo tinh thần kêu gọi thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công đã lên các phương án tăng ca, tăng kíp. Hiện, đơn vị đã có mặt bằng thi công 15/20 cầu và triển khai 15/20 mũi thi công. Tại mỗi điểm cầu, đơn vị cũng chia nhỏ thành 2, 3 mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ với tổng cộng 250 nhân lực và 150 đầu thiết bị, máy móc.
Gói thầu số 21, thuộc địa phận huyện Hàm Yên, do liên danh Công ty TNHH Hiệp Phú và Công ty Cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 đang đảm nhận thi công từ Km43 – Km 43+600, có tổng chiều dài thi công toàn tuyến là 1,82 km và tổng giá trị gói thầu khoảng 200 tỷ đồng. Trên công trường những ngày này, hàng loạt máy xúc, xe tải nối tiếp nhau hoạt động phục vụ công tác vận chuyển, điều phối đất, tiếng máy móc rền vang giữa rừng núi. Hiện, cao tốc đã dần thành hình sau mỗi lượt máy xúc, máy ủi.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú, trực tiếp chỉ huy thi công tại công trường chia sẻ: Hiện tại, đơn vị đã đạt khoảng 22% khối lượng công trình, bao gồm hệ thống cống kỹ thuật, nền đường và các hạng mục về bê tông. Trong thời điểm mưa lũ vừa qua, đơn vị tập trung làm công trình thoát nước, đúc cấu kiện là chính.
Phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công
Theo ông Hoàng Văn Hải, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẳng định: Để đảm bảo tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch, trong các tháng cuối năm 2024, đơn vị phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công; chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công 3 ca, 4 kíp nhằm bù lại tiến độ bị chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dự kiến trong năm 2024, thi công hoàn thành 30% giá trị hợp đồng và thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo báo cáo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, một trong những khó khăn hiện nay trong thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang là vấn đề giải phóng mặt bằng còn nhiều điểm nghẽn liên quan đến 265 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường thi công do vướng mắc cần phải giải quyết: Đất của các lâm trường đang quản lý; đất của các hộ gia đình có liên quan đến đất của các lâm trường. Ngoài ra còn một số khó khăn liên quan đến nguồn vật liệu đất đắp tại một số gói thầu… Tại cuộc kiểm tra đẩy nhanh tiến độ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo các sở, ngành vào cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn chủ đầu tư, địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những khó khăn vướng mắc trong việc vận động người dân trong diện di dời, tái định cư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải huy động các cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội vào cuộc vận động Nhân dân. Địa phương phải vào cuộc quyết liệt, có kế hoạch thực hiện cụ thể, coi công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm; khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trong công tác GPMB, coi đây là tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Đồng chí nhấn mạnh, Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có ý nghĩa rất lớn, là dự án trọng điểm quốc gia, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Vì vậy, chủ đầu tư, các đơn vị thi công, các địa phương nỗ lực hơn nữa khắc phục khó khăn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; yêu cầu đảm bảo tiến độ cùng với đảm bảo kỹ thuật, chất lượng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự chủ động triển khai của các nhà thầu, đơn vị thi công, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang sớm hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho nhân dân ở hai địa phương Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung phát triển toàn diện, bền vững.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/3-ca-4-kip-thi-cong-cao-toc-tuyen-quang-ha-giang-201643.html