Đội tuyển Việt Nam đánh bại Hong Kong (Trung Quốc) trong trận đầu tiên dưới thời HLV Philippe Troussier. Tuy nhiên, màn trình diễn của Quế Ngọc Hải và đồng đội khó có thể làm hài lòng các cổ động viên trên sân Lạch Tray cũng như khán giả truyền hình.
Phong cách Troussier chưa được thể hiện trong cách chơi của đội tuyển Việt Nam. Hong Kong (Trung Quốc) trên lý thuyết là đối thủ thuộc diện “chiếu dưới”. Đây là “quân xanh” để HLV Troussier kiểm nghiệm khả năng chơi tấn công của đội nhà. Về mặt này, đội tuyển Việt Nam không thể hiện được, ngay cả so với màn trình diễn của các đàn em U23 tại SEA Games 32.
video-element" data-id="jc_b_azhQt1TPTl4I5WIXoH4xwa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2023/06/16/dt-viet-nam-15021554.jpg"/>
ĐT Việt Nam 1-0 Hong Kong (Trung Quốc)
Có thể tóm tắt màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam trước Hong Kong (Trung Quốc) qua đoạn phân tích của BLV Ngô Quang Tùng: “Đội tuyển Việt Nam mong muốn cách chơi kiểm soát bóng, tạo áp lực. Đó là lối chơi chưa được thể hiện trôi chảy. Đội tuyển Việt Nam không tạo được áp lực lớn.
Các cầu thủ có ý tưởng chơi tấn công với đội hình được đẩy lên rất cao nhưng gạch nối giữa các vị trí chỉ ở mức độ trung bình. Ở khu vực 16m50 của đối phương, đội tuyển Việt Nam chơi không rõ nét, không hiệu quả chút nào. Từ lực lượng tham gia tấn công, vị trí tấn công, các mảng miếng đều không rõ ràng”.
Điều thú vị là những mặt chưa được của đội tuyển Việt Nam gợi lại hình ảnh của chính họ trong những trận đấu tồi nhất dưới thời HLV Park Hang Seo, ví dụ như trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022 gặp Indonesia trên sân khách. Đội tuyển Việt Nam vẫn chơi với sơ đồ 3-4-3, chuyển thành 3-5-2 khi Nguyễn Quang Hải – xuất phát ở vị trí tiền đạo phải – lùi về gần 2 tiền vệ trung tâm để tham gia kiểm soát, điều phối bóng.
Thực tế trên sân cho thấy các cầu thủ lúng túng khi chơi kiểm soát, áp đặt thế trận trước đối thủ và đặc biệt gặp khó khi đội bạn quây rát, phòng ngự có tổ chức. Những tình huống chuyển trạng thái nhanh, thu hút đối thủ về một khu vực và chuyển hướng tấn công sang khoảng trống ở phía xa rất ít xuất hiện.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là dưới thời HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam đặc biệt lợi hại ở khả năng tận dụng tình huống. Điều này không được thể hiện trong trận đấu đầu tiên thời HLV Troussier. Có thể lý do nằm ở việc Quang Hải và đồng đội cố gắng chơi theo bài và khi họ không thể thực hiện các pha phối hợp một cách nhuần nhuyễn, lối chơi tấn công của đội tuyển Việt Nam không hiệu quả và không được duy trì liên tục.
Cải thiện khả năng tấn công là một trong những điểm mà người hâm mộ mong chờ ở đội tuyển Việt Nam thời HLV Troussier. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) chơi tấn công không khác gì phiên bản thời HLV Park Hang Seo, thậm chí kém hiệu quả hơn do các cầu thủ thiếu đi những khoảnh khắc tạo đột biến.
Dù vậy, sự chệch choạc của đội tuyển Việt Nam trên thực tế không phải bất ngờ. Đây mới là trận đầu tiên Quang Hải và đồng đội thi đấu dưới thời HLV Troussier, cộng thêm đợt tập trung ngắn tháng 3 là gần 3 tuần để làm quen với những yêu cầu của chiến thuật mới. Trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) nói lên rằng HLV Troussier còn rất nhiều việc phải làm để thay đổi cách chơi của đội tuyển Việt Nam.
Trước mắt nhà cầm quân người Pháp là bài kiểm tra theo kiểu khác, không còn là “buổi tập” tấn công. Syria trên lý thuyết là đội mạnh hơn đội tuyển Việt Nam. HLV Troussier phải lựa chọn giữa việc tiếp tục kiểm nghiệm lối chơi kiểm soát bóng hay chơi phòng ngự phản công dựa vào những pha chuyển trạng thái nhanh.
Hàn Phong
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo