(Dân trí) – Thầy trò HLV Troussier đã ghi điểm trong mắt người hâm mộ bằng màn trình diễn ấn tượng trước Nhật Bản. HLV người Pháp đã cho thấy sự thực dụng lẫn khả năng biến chiêu khôn lường rất đáng chờ đợi.
Trước thềm Asian Cup 2023 tại Qatar khởi tranh, HLV Troussier chịu vô vàn áp lực. Chính bản thân vị chiến lược gia người Pháp cũng thừa nhận “80% người Việt Nam muốn tôi từ chức”.
Bên cạnh thành tích thi đấu và màn trình diễn, cho dù đa số là các trận giao hữu thử nghiệm, một trong những nguyên nhân chính yếu khiến đương kim HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chịu nhiều chỉ trích là bởi “dám” thay đổi công thức đã thành công rực rỡ của người tiền nhiệm.
Dưới thời HLV Park Hang Seo, lối chơi phòng ngự phản công là kim chỉ nam của đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Ông Troussier theo đuổi triết lý khác. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, nhà cầm quân người Pháp luôn đề cập đến lối chơi kiểm soát. Ông nhấn mạnh những khía cạnh như cầm bóng, chuyền bóng, chơi bóng chủ động, triển khai tấn công từ sân nhà…
Vô hình trung, HLV Troussier bị gắn mác giáo điều, sách vở hay thậm chí cay độc hơn là độc đoán, quái đản. “Tuyển Việt Nam lấy trình độ đâu ra để cầm bóng và tấn công trước các đối thủ mạnh?!”, là câu hỏi xuất hiện không ít trên các diễn đàn.
Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản trong triết lý giữa ông Troussier và ông Park là một bên cầm nhiều bóng, một bên ít tốn bóng. Thực tế sử dụng lối chơi kiểm soát bóng không đồng nghĩa phải dâng cao đội hình tấn công ồ ạt. Đôi khi lối chơi này còn thực dụng hơn cả phòng ngự đổ bê-tông.
Ví dụ cụ thể nhất là đội tuyển Tây Ban Nha đã vô địch World Cup 2010 và Euro 2012. La Roja thời điểm đó là ĐTQG thống trị bóng đá thế giới, nhưng không vì thế họ nghiền nát đối thủ bằng lối chơi tấn công.
Thực tế Tây Ban Nha sử dụng lối chơi cầm bóng chậm rãi để không cho đối phương có bóng tấn công (không có bóng làm sao tấn công?!) và rình rập cơ hội ghi bàn.
Bằng chứng là tại World Cup 2010, Tây Ban Nha chỉ ghi 8 bàn thắng trong 7 trận nhưng chỉ nhận một bàn thua, đồng nghĩa họ có 6 trận giữ sạch lưới. Vì sự thực dụng và nhàm chán thái quá của La Roja, lối chơi tiqui-taca (cầm bóng để phối hợp tấn công) trứ danh bị chơi chữ thành tiqui-tacanaccio (cầm bóng để phòng ngự) như cách để châm biếm.
Tất nhiên, cách biệt đẳng cấp, vị thế của Tây Ban Nha và đội tuyển Việt Nam là quá lớn, hơn nữa kỷ nguyên tiqui-taca đã lụi tàn hơn chục năm, thế nên chẳng có sự so sánh hay tâng bốc nào ở đây.
Dữ kiện được đưa ra chỉ để chứng minh sử dụng lối chơi kiểm soát không có nghĩa phải tấn công áp đặt, kiểm soát vẫn được áp dụng theo cách thực dụng, thiên về phòng ngự và tùy vào từng đối thủ để ứng phó.
Với kinh nghiệm 30 năm cầm quân và năng lực đã được khẳng định từ lâu, HLV Troussier không ngô nghê và giáo điều tới mức tính chuyện áp đặt trước đối thủ trên cơ. Hơn nữa, vị chiến lược gia người Pháp cũng không ít lần đề cập tới vấn đề phòng ngự, nhưng những câu chữ này dễ dàng bị lờ đi trong làn sóng phẫn nộ vì những lý do khác.
Đơn cử phát biểu sau trận đấu với đội tuyển Iraq tại vòng loại World Cup 2026, HLV Troussier chia sẻ: “Ở trận đấu này, tôi đặc biệt chú trọng vào khâu tổ chức đội hình khi không có bóng và tập trung phòng ngự trước đội mạnh như Iraq.
Các cầu thủ đã có đấu pháp hợp lý để kiểm soát lợi thế của Iraq. Nên nhớ rằng cầu thủ Iraq giỏi và ở đẳng cấp cao hơn Việt Nam rất nhiều, nên chúng ta phải tập trung nhiều hơn”.
Ở trận đấu này, tuyển Việt Nam đã chủ động lùi sâu đội hình, phòng ngự kiên cường và chỉ chịu bàn thua nghiệt ngã ở tình huống gần như cuối cùng. Hệ thống phòng ngự của “Những chiến binh sao vàng” đã vô hiệu hóa khá hiệu quả hàng công có ưu thế về thể chất và trình độ của đối phương.
Nói cách khác, đội tuyển Iraq đã rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, trong cơn sóng chỉ trích dâng trào, khía cạnh tích cực này không được đề cập đến.
Sau trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam tại vòng chung kết Asian Cup 2023, gió đang đảo chiều. Màn trình diễn ấn tượng trước đối thủ mạnh như đội tuyển Nhật Bản của thầy trò Troussier giúp những ánh nhìn trở nên thiện cảm hơn. Nói cách khác, giới mộ điệu đang dần bị thuyết phục bởi chiến lược gia người Pháp.
Đương đầu với đội bóng đang tiến tới đẳng cấp thế giới, đội tuyển Việt Nam không chỉ thi đấu bằng ý chí quật cường mà còn khiến đối phương bất ngờ và nhiều phen choáng váng bằng sự mạch lạc trong lối chơi lẫn ý đồ chiến thuật.
Như đã đề cập, HLV Troussier không ngớ ngẩn để áp đặt hay tấn công trước đối thủ mạnh. Vị chiến lược gia người Pháp chọn phương án phòng ngự dựa trên nền tảng cầm bóng nhiều.
Takefusa Kubo, ngôi sao của đội tuyển Nhật Bản cũng phải thừa nhận: “Thành thật mà nói, HLV Troussier đã làm được những gì chúng tôi đang cố gắng làm. Trong hiệp 1, chúng tôi nỗ lực thực hiện những điều đối thủ không thích, đưa trận đấu đi theo tốc độ của mình.
Nhưng họ rất giỏi trong việc thực hiện cú chạm đầu tiên. Nhờ đó, họ có thể chống lại sức ép của Nhật Bản một cách dễ dàng.
Tôi rất muốn xem họ đang thực hiện kiểu luyện tập nào. Tôi nghĩ họ có khả năng kiểm soát bóng tốt hàng đầu châu Á. Đây là một tập thể có sự kết nối. Chúng tôi biết họ sẽ chơi thứ bóng đá đẹp, tập trung hệ thống vào các bài phản công”.
Để dễ hình dung hơn cách phòng ngự của tuyển Việt Nam dưới thời Troussier, có thể so sánh trực quan với người tiền nhiệm ở một trận đấu tương đương. Đó là khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt “Những chiến binh sao vàng” chạm trán Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019.
Ở cuộc chạm trán 4 năm trước, Nhật Bản nắm tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 68%, thực hiện 709 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 86%. Trong khi đó, tuyển Việt Nam cầm bóng 32%, thực hiện 327 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 70%, tức là chỉ có hơn 200 đường chuyền trúng đích.
Đó là những dữ kiện thường thấy trong thế trận một đội bóng mạnh sử dụng lối chơi kiểm soát đương đầu đội bóng cửa dưới chơi phòng ngự phản công. Hai lần chạm trán khác giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2022 cũng chứng kiến những số liệu gần như tương tự.
Trong khi đó ở trận đấu vừa qua, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier cầm bóng đến 42%, tung ra 533 đường chuyền với tỷ lệ chính xác lên đến 81%, tức hơn 400 đường chuyền đi trúng đích.
Ngoài ra, một dữ liệu khá thú vị, đó là trong cuộc chạm trán tại Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam thiên về phòng ngự của HLV Park có 12 cú dứt điểm còn nhiều hơn Nhật Bản (11). Trong khi ở trận đấu vừa qua, số pha dứt điểm của “Những chiến binh sao vàng” chỉ là 6, bằng 1/3 so với Samurai Xanh (15).
Cách dùng người của HLV Troussier trong trận đấu với đội tuyển Nhật Bản cho thấy ông vừa kiên định vừa biến hóa. Kiên định ở chỗ có những vị trí bị hoài nghi nhưng ông thầy người Pháp vẫn đặt trọn niềm tin vào các học trò. Tiêu biểu nhất là vị trí trung vệ lệch trái của Phan Tuấn Tài.
Trước thời điểm bóng lăn, giới chuyên môn vẫn đánh giá Tuấn Tài là “canh bạc” của HLV Troussier. Thành công hay thất bại của nhà cầm quân này có thể đều xuất phát từ vị trí của cầu thủ đang khoác áo Viettel. Nguyên do là Tuấn Tài vốn không phải trung vệ cũng chẳng mạnh về tranh chấp, thế nên khó đảm bảo sự chắc chắn.
Thực tế Tuấn Tài đã có một trận đấu chấp nhận được. Bên cạnh việc góp công giúp đội tuyển Việt Nam cầm bóng mượt mà, cầu thủ này tỏ ra không quá “đuối” so với các trung vệ thực thụ như Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình ở khâu tranh chấp hay bọc lót.
Ngoài Tuấn Tài, cặp tiền vệ trung tâm Thái Sơn – Tuấn Anh hay hậu vệ cánh trái Võ Minh Trọng đều chơi tốt.
Bên cạnh đó, HLV Troussier cũng có những điều chỉnh nhân sự nằm ngoài suy đoán của nhiều người, cho thấy khả năng ứng phó và biến hóa trong từng tình huống cụ thể. Đáng kể nhất là vị trí của Đỗ Hùng Dũng.
Tiền vệ của CLB Hà Nội được đưa vào một cách đầy bất ngờ, làm thay đổi cả cấu trúc đội hình đội tuyển Việt Nam và càng khẳng định tính thực dụng của HLV Troussier.
Với sự hiện diện của Hùng Dũng, tuyển Việt Nam gần như chuyển sang sơ đồ 3-5-2 thay vì 3-4-3 tưởng như mặc định dưới thời vị chiến lược gia người Pháp.
Điều đó đồng nghĩa tuyến giữa được tăng cường thêm một nhân sự dày dạn kinh nghiệm, có khả năng di chuyển bao quát và tranh chấp tốt. Thống kê chỉ ra, Hùng Dũng là cầu thủ thực hiện và chiến thắng nhiều pha tranh chấp tay đôi nhất trận (14/10).
Bên cạnh Hùng Dũng, việc sử dụng Đình Bắc cũng có thể xem là bất ngờ. Kết quả cầu thủ 19 tuổi này tỏa sáng rực rỡ như để chứng minh cách dùng người đúng đắn của HLV Troussier. Theo SofaScore, hai cầu thủ được chấm điểm cao nhất bên phía tuyển Việt Nam chính là Hùng Dũng và Đình Bắc (đều 7,3 điểm), một cựu binh và một tân binh.
Điều đáng chờ đợi và hy vọng khác, HLV Troussier vẫn chưa sử dụng hết những nhân tố có khả năng tạo đột biến. Đó là Nguyễn Hai Long, Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh và đặc biệt là Nguyễn Quang Hải.
Mặc dù đang trải qua giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp tuy nhiên Quang Hải vẫn là “của hiếm” của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ này sở hữu những phẩm chất ngôi sao để định đoạt trận đấu, như đã nhiều lần thể hiện trong quá khứ.
HLV Troussier mang Hải “con” đến Qatar chắc chắn có lý do và sẽ sử dụng chàng tiền vệ có cái chân trái cực dị này. Cần nhấn mạnh, nếu trận đấu với Nhật Bản chỉ đặt nặng tính hiệu số (hạn chế bàn thua) thì các cuộc đụng độ Indonesia và Iraq sẽ mang tính sống còn cho cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam.
Indonesia đã thua Iraq ở lượt trận đấu đầu tiên. Tuy nhiên đội bóng này cũng phần nào thể hiện được khả năng. Hơn nữa Indonesia luôn rất “hiếu chiến” mỗi khi đụng độ tuyển Việt Nam. Thế nên không thể xem thường. Cần nhìn vào thực tế nếu để thua Indonesia, tuyển Việt Nam sẽ bị loại.
Mọi công sức, nỗ lực và dấu ấn tạo ra từ trận đấu với Nhật Bản sẽ đổ sông, đổ bể. Hy vọng chỉ còn khi có điểm trước Indonesia, và chỉ sáng nếu thắng Indonesia vào 21h30 ngày 19/1 trên sân Abdullah Bin Khalifa (Qatar). Thế nên, các cầu thủ phải giữ cái đầu lạnh và đôi chân trên mặt đất.
Với thể thức 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp, chỉ số phụ trở nên rất quan trọng. Nên nhớ tại Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam cũng chỉ giành vé đi tiếp nhờ hơn Lebanon về chỉ số fair-play (ít thẻ vàng hơn).
Thế nên trận thua với tỷ số 2-4 trước Nhật Bản là đáng để ghi nhận. Ngoài việc chỉ nhận 2 bàn thua còn là thành tích ghi 2 bàn thắng và cũng không phải nhận thẻ phạt nào. Từ trước đến nay, Indonesia luôn là đối thủ khó chơi với tuyển Việt Nam. Điều được chờ đợi bây giờ là cách HLV Troussier hóa giải đối thủ này.
Lối chơi kiểm soát đã là nền tảng, nhưng liệu ông thầy người Pháp sẽ chọn lối chơi áp đặt tấn công hay phòng ngự là đề tài thật hấp dẫn. Ưu thế của tuyển Việt Nam sẽ là sự vượt trội về trình độ và vị thế. Indonesia sẽ chịu nhiều áp lực phải thắng hơn.
Và như đã đề cập, tuyển Việt Nam còn khá nhiều “họng súng trong tay áo”. Nếu tận dụng tốt và hài hòa, con tính của HLV Troussier không chỉ dừng ở vòng bảng!
Dantri.com.vn