Xác định đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ học mầm non ngoài công lập và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành giáo dục đã tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để củng cố và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục các bậc học.
Đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 2 trở lên, đạt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Đại biểu cắt băng khánh thành Dự án xây dựng trường THPT chuyên Tuyên Quang. |
Đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 63,2%, cao hơn bình quân của cả nước (59,5%). Toàn tỉnh hiện có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú và 39 trường phổ thông dân tộc bán trú; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú đạt 18,2%.
Đến hết tháng 10/2024, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 50,8%, cao hơn bình quân của cả nước 34,6%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 78,2%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng so với hằng năm, năm 2024 đạt 99,58% đứng đầu cả nước về trung bình điểm thi môn Hóa học, Sinh học và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc. Chất lượng và số lượng giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tăng, năm học 2023-2024, tỉnh đạt 55 giải (12 giải Nhì, 20 giải Ba và 23 giải Khuyến khích), xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc về số lượng giải; một học sinh được tham gia kỳ thi lập đội tuyển dự thi Olympic quốc tế.
Cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được trang bị đạt chuẩn. |
Năm học 2024-2025, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang đã được chuyển sang địa điểm học mới có tổng mức đầu tư hơn 255 tỷ đồng với quy mô 38 lớp học, đầy đủ cơ sở vật chất, không gian thoáng đãng, hiện đại so với các trường học trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực. Đây cũng chính là động lực quan trọng để xây dựng trường trở thành điểm nhấn về giáo dục, góp phần bảo đảm điều kiện về môi trường làm việc, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, phục vụ việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Tuyên Quang.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tuyên Quang cho biết, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tổ chức rà soát, sắp xếp nội dung dạy học phù hợp điều kiện thực tế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Xây dựng được bộ phân phối chương trình dạy học hai buổi đảm bảo phù hợp với điều kiện tổ chức của nhà trường. Tổ chức dạy học dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông và chương trình chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu ôn luyện thi tốt nghiệp và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm, hai năm liên tiếp, nhà trường có dự án đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học và được chọn Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế. Trong đó, năm học 2022-2023 là Dự án “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polymer siêu hấp thụ dựa trên tinh bột sắn và ứng dụng chế phẩm hydrogel chống cháy”. Năm học 2023-2024, Dự án “Tổng hợp xanh vật liệu nanocomposite ứng dụng làm xúc tác quang xử lý dư lượng chất diệt cỏ trong môi trường nước” đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi và tiếp tục được tuyển chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.
Ba năm trở lại đây, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên, thành phố Tuyên Quang tập trung thực hiện kế hoạch của ngành về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Học sinh nhà trường chủ yếu ở các xã ngoại thành và của huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Nhiều em phải đi hơn 10km từ nhà đến trường, lại thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chất lượng tuyển sinh đầu vào không đồng đều, điểm tuyển sinh vào trường thường thấp hơn so với các trường học ở trung tâm thành phố cho nên chất lượng giáo dục luôn là nỗi lo của ban giám hiệu. Khắc phục khó khăn, trường đã kiểm tra lực học để đánh giá, phân loại học sinh ngay sau khi nhập học, từ đó, chia thành nhóm theo sức học để bố trí giáo viên giảng dạy ngoài giờ lên lớp.
Ban giám hiệu cũng đã thành lập tổ tư vấn gồm các thành viên ban giám hiệu, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên và các tổ trưởng bộ môn, giáo viên giỏi thường xuyên kiểm tra đánh giá chuyển biến trong quá trình học tập của học sinh; phối hợp hội cha mẹ học sinh thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để có biện pháp động viên, giúp đỡ kịp thời…
Bằng nhiều biện pháp sáng tạo, giáo viên luôn chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực nâng cao hiệu quả giờ dạy. Những buổi ngoại khóa kiến thức bằng nhiều hình thức phong phú: Tìm hiểu và phòng, chống các tệ nạn xã hội, kỹ năng sống,… đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua đó xây dựng cho học sinh ý thức giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tự tìm cho mình cách học tốt nhất, phù hợp nhất. Ban Giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn phối hợp với đoàn trường liên tục tổ chức các đợt thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, tổ chức các hình thức học nhóm… Các em được học tập theo phương pháp mới được phát huy tính độc lập tự chủ nên tự tin, hứng thú, tích cực, đạt kết quả tốt hơn;
Để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh nhà trường đã tư vấn cho các em chọn khối thi đại học ngay từ khi mới vào đầu cấp, từ đó có cơ sở bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp, khoa học; Giáo viên rèn luyện cho các em ý thức học toàn diện không học tủ, học lệch; từ đó tự tìm cho mình phương hướng để kết quả học tập. Mặt khác, để nâng cao chất lượng toàn diện, trường tổ chức thi chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi theo kế hoạch hàng năm, chú trọng tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, học sinh diện chính sách vì thế chất lượng học sinh được nâng lên rõ rệt. Do vậy, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt.
Là trường ngoài hệ thống công lập trên địa bàn tỉnh, Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Tuyên Quang luôn tích cực đổi mới công tác quản lý chuyên môn và phương pháp giáo dục, đẩy mạnh các phong trào thi đua, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng cao. Đây cũng là ngôi trường giành được nhiều huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Thầy giáo Nguyễn Việt Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, nhà trường đã đạt được 970 giải thưởng, huy chương tại các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Để đạt được những kết quả trên, trường đã mời chuyên gia có uy tín từ các cơ sở giáo dục tiên tiến trong và ngoài tỉnh về bồi dưỡng cho giáo viên về kiến thức và kĩ năng bồi dưỡng học sinh giỏi.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi học sinh trường THPT Chuyên Tuyên Quang. |
Từ năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 và Kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm học 2023-2024, toàn tỉnh đã giảm 197 điểm trường, lớp học.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm thêm 37 điểm trường. Việc sắp xếp lại điểm trường, lớp học đã giúp học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đồng thời góp phần nâng chất lượng giáo dục của tỉnh. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, học sinh bỏ học giảm rõ rệt.
Đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, Sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học trong toàn tỉnh. HĐND tỉnh đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về cống hiến tại tỉnh, bằng việc hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại giỏi, xuất sắc từ 180-250 triệu đồng. Từ năm 2022 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo đã thu hút được 117 người. Đây là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn của các trường phổ thông.
Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Tư vấn chuyên môn cấp tỉnh. Chỉ đạo quyết liệt đến các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT bám sát thực tế, phân hóa đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học. Tăng cường ứng dụng các phần mềm, nền tảng dạy học để hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, đặc biệt là các phần mềm giao bài, luyện thi trực tuyến
Những kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo Tuyên Quang đã đạt được thời gian đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, để giáo dục Tuyên Quang từng bước tạo được thương hiệu, khẳng định vị thế trong các tỉnh Trung du miền núi phía bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Nguồn: https://nhandan.vn/tuyen-quang-tap-trung-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-post845741.html