Đầu tư đồng bộ
Năm học 2024 – 2025, Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học Cơ sở Linh Phú (thuộc xã khu vực III Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) có 623 học sinh (HS); trong đó có 477 HS ở bán trú; 100% HS của trường là người DTTS. Trường đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1.
Các em HS ở bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học Cơ sở Linh Phú trong năm học này đã nuôi dạy, học tập với cơ sở trường lớp khang trang. Bởi từ năm 2023, với kinh phí 14,2 tỷ đồng thuộc nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 9 phòng học bộ môn và 14 phòng ở cho HS bán trú; cùng với đó là nhiều thiết bị giảng dạy, đồ dùng phục sinh hoạt của HS.
Cũng như Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Linh Phú, năm 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Tri Phú (xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa) đã được đầu tư xây dựng 12 phòng, với tổng kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2023 – 2024, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Theo ông Lê Đức Huy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa, thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, hiện trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 7 công trình. Với sự đầu tư đó, HS đến trường có điều kiện ăn, ở, học tập và được làm quen với các trang thiết bị hiện đại.
“Bên cạnh công tác giảng dạy, các trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giúp các em có mối quan hệ hài hòa với các đồng bào dân tộc khác và được các thầy cô nuôi dạy như con em trong gia đình mình”, ông Huy, cho biết.
Tương tự huyện Chiêm Hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được bố trí nguồn lực kịp thời, để đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường chuyên biệt, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Tỉnh hiện có 7 trường PTDTNT và 39 trường PTDTBT với trên 22,8 nghìn học sinh, trong đó có trên 21 nghìn học sinh là người DTTS.
Theo ông Hoàng Minh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2021 – 2024, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú.
“Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho HS người DTTS theo đúng các quy định của Chính phủ. Giai đoạn 2021 – 2024, số lượt HS các trường PTDTBT được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP là 40.027 học sinh; số lượt HS trường PTDT nội trú được hưởng chế độ theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT là 9.101 HS”, ông Cảnh, cho biết.
Hướng tới nâng cao chất lượng
Với các chính sách đầu tư chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục ở vùng DTTS của tỉnh Tuyên Quang ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt hệ thống các trường chuyên biệt của tỉnh đã từng bước phát triển, chất lượng giáo dục – đào tạo không ngừng được nâng lên.
Đơn cử tại Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học Cơ sở Linh Phú, dù thuộc địa bàn vùng sau, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, nhưng chất lượng dạy học ở ngôi trường này không “thua chị, kém em”. Kết thúc năm học 2023 – 2024, trường có 06 giáo viên dạy giỏi cấp huyện với HS thì đạt 14 giải cấp huyện và 4 giải cấp tỉnh.
Không chỉ ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở mà với bậc Phổ thông trung học, chất lượng dạy học ở các trường chuyên biệt của tỉnh cũng đã có những chuyển biến rất rõ nét. Để có được kết quả này, bên cạnh chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thì hiệu quả của chính sách đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ học tập là rất rõ ràng.
Đơn cử là Trường PTDTNT Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hàm Yên. Đây là trường chuyên biệt mới thành lập năm 2021, trên cơ sở chuyển đổi mô hình từ Trường PTDTNT Trung học cơ sở huyện Hàm Yên theo Kế hoạch 83/KH-UBND, ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang về phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Theo thầy Hà Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên, trước khi chuyển đổi, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhưng từ năm học 2021 – 2022, quy mô nhà trường mở rộng, HS ở nội trú tăng lên, gây quá tải về nơi ăn, ở, sinh hoạt.
“Năm học 2023 – 2024, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 01 nhà ăn; 01 nhà ký túc xá 24 phòng; 01 nhà lắp ghép với 07 phòng; 01 nhà lớp học 8 phòng. Hiện nay, trường tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 xây thêm 4 phòng học; 01 sân bóng đá mini…giúp không gian sinh hoạt của học sinh rộng rãi, thoáng mát hơn”, thầy Tuấn, cho biết.
Với sự đầu tư đó, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, năm 2024 là năm đầu tiên nhà trường có HS dự thi tốt nghiệp THPT, nhưng điểm trung bình các thí sinh của trường đứng vị trí thứ 3 toàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Minh Cảnh, là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQg 1719, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giáo dục, chuẩn hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chuyển đổi số đối với các trường PTDTNT, PTDTBT. Sở cũng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng toàn diện các trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh.
“Triển khai Kế hoạch số 34/KH-UBND, ngày 07/2/2024 của UBND tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong năm 2024, Sở cùng với các địa phương đã và đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa các trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh; đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ở các trường chuyên biệt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học của giáo viên và HS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS trên địa bàn tỉnh”, ông Cảnh, cho biết.
Trong năm 2023, thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 29 trường PQDTNT, PTDTBT được đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú, với tổng kinh phí gần 365 tỷ đồng. Trong đó, các huyện: Lâm Bình có 3 trường, Na Hang 7 trường, Chiêm Hóa 7 trường, Hàm Yên 7 trường, Yên Sơn 5 trường.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tuyen-quang-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-o-vung-dtts-tu-bac-pho-thong-1729225528591.htm