Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba lĩnh vực đột phá.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang tại Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản sang Vương quốc Anh. |
Cụ thể hóa Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho tỉnh ban hành 27 nghị quyết, đề án, kế hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành, những quyết sách có tính chiến lược, việc triển khai được thực hiện khẩn trương, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang tạo ra bước đột phá lớn; các trục sản phẩm chủ lực, đặc sản đã được định hướng phát triển theo bốn vùng núi cao phía bắc, vùng đồi núi phía bắc, vùng trung tâm, vùng phía nam để phát huy cao nhất lợi thế so sánh của địa phương, bảo đảm bài bản, gắn với cơ chế chính sách cụ thể; ngành nông nghiệp được cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã); ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn hiện có gần 900 ha trồng bưởi, trong đó, hơn 200 ha trồng giống bưởi đường Soi Hà. Năm 2017, bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng; năm 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện để sản phẩm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mới đây, sau khi vượt qua quá trình kiểm tra 923 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các loại gây hại cho sức khỏe, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn dư lượng châu Âu, 8.000 quả bưởi Soi Hà đã lên đường xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh. Đây là một trong những thị trường khó tính với những quy định khắt khe nhưng sản phẩm bưởi Soi Hà đã nhận được phản hồi tốt và được đặt hàng ngay lần đầu ra mắt.
Ông Triệu Văn Tuyển, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân, huyện Yên Sơn, cho biết: Những quả bưởi được lựa chọn có độ ngọt Brix từ 11,5 độ trở lên, không he đắng, dóc múi, mọng nước; màu vàng đều, ít vết chấm đen không nám rám, không có vết côn trùng cắn, trọng lượng từ 1-1,2 kg/quả và được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hai tuần trước khi thu hái. Bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân được xuất khẩu đi châu Âu đem lại hy vọng cho các hộ trồng bưởi ở đây, bởi điều đó không chỉ nâng tầm thương hiệu nông sản mà còn giúp người dân tăng thêm thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền khoa học-kỹ thuật công nghệ cho các hộ dân trồng bưởi để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của tổ chức xuất khẩu. Đặc biệt, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu năm 2025.
Hợp tác xã Nông sản và Dược liệu Minh Thảo, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên đã áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm cam sấy khô, sấy dẻo… hình thành được chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân. Bà Lương Minh Thảo, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, muốn xây dựng được thương hiệu, hợp tác xã phải chú trọng chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, yên tâm sử dụng.
Hiện, hợp tác xã đầu tư bốn máy sấy nhiệt với công suất sấy 300 kg cam sấy khô/ngày. Mỗi năm sản xuất được 30 tấn cam sấy khô thành phẩm được đóng gói và xuất bán ra thị trường. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm của hợp tác xã còn được xuất khẩu qua các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc… Ngoài ra, hợp tác xã còn sấy dứa, chanh, hoa đu đủ, trà hoa vàng và sản phẩm siro chanh, siro tắc của hợp tác xã vừa qua cũng được lựa chọn để xuất khẩu sang Vương quốc Anh.
Theo thống kê đến nay, Tuyên Quang có 448 hợp tác xã với tổng số 8.572 thành viên, có 4.044 lao động thường xuyên; có 325 trang trại, 44 tổ hợp tác đang hoạt động, sản xuất các lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản. Ngoài ra tỉnh có 123 chủ thể OCOP là hợp tác xã; có 57 hợp tác xã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với hơn 530 ha được tổ chức trồng theo tiêu chuẩn; 77 hợp tác xã có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm…
Hiện toàn tỉnh hiện có 8.208 ha chè; hơn 5.300 ha cam; hơn 5.200 ha bưởi; hơn 4.400 ha lạc và 2.977 ha mía nguyên liệu; cấp 27 mã số vùng trồng và hai mã số cơ sở đóng gói, với diện tích 241 ha; giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha đất trồng đạt 111,4 triệu đồng/năm, tăng 1,13 lần so với năm 2020; giá trị sản xuất trồng trọt năm 2024 đạt hơn 4.806,5 tỷ đồng, tăng bình quân 2,5%/năm…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết: Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học-công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn bảo đảm phát triển bền vững. Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, phát triển thị trường, thương mại nông sản hàng hóa và phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bài và ảnh: HẢI CHUNG
nguồn: https://nhandan.vn/tuyen-quang-chu-trong-nong-nghiep-hang-hoa-post848358.html