86% người lao động, nhất là nhóm lao động gen Z tại Mỹ, muốn thấy bản tin tuyển dụng ghi rõ thông tin thay vì “lương thỏa thuận”. Các lao động trẻ Việt Nam nghĩ gì về điều này?
Số liệu trên được đơn vị thu thập dữ liệu Talker Research thực hiện tháng 10-2024 với khoảng 1.000 lao động Mỹ được hỏi. Đây cũng là thông tin rất được quan tâm, nhưng tại thị trường lao động Việt Nam lâu nay vẫn xem là “điều tế nhị”.
Thục Nhi (26 tuổi) từng làm phó phòng truyền thông một doanh nghiệp có cả trăm nhân sự tại TP.HCM nói doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ghi “lương thỏa thuận” tại Việt Nam không thiếu. “Việc mập mờ mức lương khiến ứng viên có phần giảm hứng thú nộp đơn”, Nhi nói.
Cô bạn cho biết thường né mấy công ty có thông tin tuyển dụng “lương thỏa thuận”. Nhi thẳng thắn cho rằng cần công khai rõ ngay trên bản tin tuyển dụng về mức lương tối thiểu, tối đa vì “chẳng ai đi làm vì đam mê cả mà họ đều phải cân nhắc lựa chọn bởi liên quan đến đời sống”.
Một lao động thế hệ Z khác, bạn Trọng Khang (ở quận Tân Phú, TP.HCM) nói rất dị ứng với kiểu tuyển dụng mà mập mờ lương thưởng như vậy. Khang lập luận bất kỳ công ty nào cũng đều có sẵn khung lương tương ứng với từng vị trí công việc rồi sao phải giấu. Trong khi việc công khai mức lương trong tin tuyển dụng chính là động lực cho ứng viên quyết định có ứng tuyển hay không.
Khang cũng thừa hiểu “lương thỏa thuận” là chiêu thức để các công ty thử tài tìm hiểu thị trường của ứng viên về khung lương khi ứng tuyển vị trí ấy. Nhưng việc đưa ra thông tin mức lương rõ ràng sẽ là cơ sở để thỏa thuận lương chính thức khi gặp gỡ và đỡ mất thời gian cho đôi bên. Tùy tình thế và ứng viên mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể “deal” mức lương có lợi nhất cho họ.
Tuy vậy, chuyên gia “săn đầu người” Huỳnh Thị Trang của một tập đoàn chuyên tìm kiếm, cung cấp giải pháp nhân sự tại TP.HCM chia sẻ dưới góc nhìn nhà tuyển dụng, việc ghi “lương thỏa thuận” giúp tránh sự cạnh tranh với các công ty cùng lĩnh vực. Việc không tiết lộ về lương giúp bảo mật thông tin của công ty về mức lương, quỹ lương thưởng.
Đặc biệt, điều này giúp công ty giảm nguy cơ mất ứng viên tiềm năng vào tay các đối thủ cùng ngành. “Việc đề “lương thỏa thuận” thường chỉ rơi vào các vị trí quan trọng và có mức lương dao động lớn. Vị trí càng cao lại càng phải ghi “lương thỏa thuận” để doanh nghiệp tìm được ứng viên chất lượng nhất cho vị trí đang cần”, chị Trang nói.
Chị HUỲNH THỊ TRANG
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuyen-dung-ghi-luong-thoa-thuan-co-map-mo-20241206103248187.htm