Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự cuộc họp tại Quốc hội Đức ngày 22/6. Ảnh: AFP
Theo đài RT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/6 tiếp tục lên tiếng bác bỏ thẳng thừng việc cho phép Ukraine sớm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất chấp việc Kiev liên tục thúc giục liên minh quân sự phương Tây đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này.
Trong cuộc họp với Quốc hội Đức ở Berlin ngày 22/6, Thủ tướng Scholz nói rằng liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đang có dấu hiệu chia rẽ khi thảo luận về tốc độ gia nhập khối của Ukraine, trong đó Anh có quan điểm trái ngược số đông khi muốn hối thúc quá trình này.
“Chúng ta cần có một cái nhìn tỉnh táo về tình hình hiện tại,” ông Scholz cho biết, đồng thời nói thêm rằng chính các quan chức Ukraine cũng thừa nhận “việc gia nhập NATO là điều không thể” chừng nào cuộc xung đột với Nga vẫn còn tiếp diễn.
Thủ tướng Đức bày tỏ mong muốn khối phương Tây nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ khác cho Kiev và thảo luận kỹ hơn ở hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tới tại thủ đô của Litva. Ông nhấn mạnh: “Tôi đề nghị chúng ta tập trung và ưu tiên thảo luận về vấn đề này tại hội nghị ở Vilnius, cụ thể là về tăng cường sức mạnh chiến đấu của Ukraine”.
Theo Thủ tướng Scholz, mục tiêu của Đức là hỗ trợ quân sự bền vững cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí hiện đại của phương Tây. Ông lưu ý thêm rằng các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và G7 có thể cung cấp “các đảm bảo an ninh” cho Ukraine trong trường hợp Kiev không trở thành thành viên đầy đủ của NATO.
Quan điểm chính thức của NATO về tư cách thành viên của Ukraine vẫn không thay đổi kể từ năm 2008, khi tổ chức này tuyên bố rằng Ukraine “sẽ trở thành thành viên của khối trong tương lai”. Tuy nhiên, chừng nào xung đột với Nga còn tiếp diễn, viễn cảnh này sẽ khó có thể xảy ra, bởi Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ trở thành xung đột giữa Moscow và NATO.
Trong khi đó, Nghị viện Châu Âu (EP) lại muốn các nhà lãnh đạo NATO sử dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Vilnius để đưa ra lời mời gia nhập liên minh cho Ukraine.
Vương quốc Anh ủng hộ những lời kêu gọi này của EP, với việc Ngoại trưởng James Cleverly ngày 22/6 tuyên bố rằng London “sẽ rất ủng hộ” việc NATO xúc tiến việc gia nhập khối của Ukraine.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly phát biểu tại hội nghị Tái thiết Ukraine ở London, ngày 22/6. Ảnh: AP
“Ukraine đã thể hiện cam kết cải cách quân sự cần thiết để trở thành thành viên NATO thông qua các hành động của họ trên chiến trường. Tôi nghĩ rằng tất cả các đồng minh NATO đều nhận ra điều đó,” Ngoại trưởng Cleverly nói thêm, song không bình luận về việc liệu NATO có nên đợi xung đột với Nga được giải quyết trước hay không.
Hiện tại, Mỹ vẫn phản đối bất kỳ việc đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine vào NATO. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Ukraine gia nhập NATO. Kiev sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như bất kỳ thành viên nào khác trong khối.
Bình luận của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh có một số thông tin về kế hoạch đơn giản hóa thủ tục cho Kiev do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất.
Một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin ông Biden đã nghĩ đến một kế hoạch khác cho Ukraine. Ví dụ, tờ New York Times đưa tin chính quyền Mỹ không muốn chấp thuận cho Ukraine tư cách thành viên NATO đầy đủ, thay vào đó Washinton thúc đẩy “mô hình Israel”, nghĩa là cam kết có thời hạn duy trì cung cấp vũ khí phương Tây cho một quốc gia nhất định..
Trong khi đó, Hungary thậm chí còn đưa ra sự phản đối mạnh mẽ hơn về việc NATO kết nạp Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần cáo buộc lãnh đạo NATO đang “kiếm cớ” để tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Nguồn kinhtedothi