Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tuy Đức và mục tiêu trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng nền văn hóa bản địa đặc sắc. Huyện đang phấn đấu trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông31/03/2025

Tiềm năng chờ đánh thức

Bước chân đến huyện biên giới Tuy Đức du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi thiên nhiên vẫn giữ trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ.

Nơi có tiếng suối chảy hòa cùng tiếng gió rừng và mỗi tảng đá, gốc cây đều ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí, huyền thoại. Đây không chỉ là điểm đến để nghỉ ngơi, mà còn là hành trình khám phá, trải nghiệm những giá trị nguyên bản nhất của vùng đất cao nguyên đầy bí ẩn.

dsc02508(1).jpg
Tuy Đức có 44km đường biên giới tiếp giáp Campuchia cũng mang đến cho huyện tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng, cảnh quan.

Nhắc đến Tuy Đức là nhắc đến những dòng thác hùng vĩ giữa đại ngàn, những cung đường uốn lượn bên những cánh rừng thông xanh ngút ngàn. Trong đó, không thể không kể đến thác Đắk G’lun, một trong những ngọn thác đẹp nhất Đắk Nông.

Thác có độ cao hơn 50m, rộng khoảng 15m, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Dòng thác đổ xuống từ vách núi cheo leo, tung bọt trắng xóa như một dải lụa giữa rừng già, khiến bất kỳ ai đặt chân đến cũng không khỏi ngỡ ngàng.

tuyduc-1-(1).jpg
Thác Đắk G’lun được bình chọn là top 50 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2024 và top 10 thác nước đẹp hùng vĩ gắn với nhiều huyền thoại thú vị của Việt Nam

Hàng năm, nơi đây đón hơn 30.000 lượt khách đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của thác, lắng nghe âm thanh róc rách của suối nước hòa cùng tiếng chim hót giữa rừng sâu đại ngàn.

Với hơn 44km đường biên giới tiếp giáp Campuchia mang đến cho Tuy Đức tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, cảnh quan. Những khu rừng nguyên sinh, những rừng thông, đồi cỏ bạt ngàn tại đây là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, thu hút du khách ưa thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.

dsc01521(1).jpg
Tuy Đức có không khí mát lành, cảnh sắc thơ mộng cùng sự tĩnh lặng của núi rừng khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn rời xa nhịp sống đô thị hối hả

Tuy Đức có không khí mát lành, cảnh sắc thơ mộng cùng sự tĩnh lặng của núi rừng khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn rời xa nhịp sống đô thị hối hả. Vào mùa hoa dã quỳ, hoa mua tép nở, những con đường đất đỏ bazan bừng sáng rực rỡ trong sắc vàng hoang dại, tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Không chỉ sở hữu thiên nhiên kỳ vĩ, Tuy Đức còn là “bảo tàng sống” lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản của người M’nông. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng, những lễ hội đậm đà bản sắc như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ sum họp cộng đồng hay những nghệ nhân miệt mài bên khung dệt thổ cẩm, tất cả tạo nên một Tuy Đức vừa huyền bí vừa cuốn hút.

tuyduc-7-(1).jpg
Huyện Tuy Đức còn lưu giữ nhiều lễ hội đậm đà bản sắc như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ sum họp cộng đồng

Những lễ hội truyền thống còn được lưu giữ và tái hiện không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn hấp dẫn hàng ngàn du khách mỗi lần tổ chức, trở thành cầu nối đưa văn hóa Tây Nguyên đến gần hơn với du khách thập phương.

Hiện nay, huyện Tuy Đức có hơn 25 bộ chiêng quý, hơn 70 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 7 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và 17 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng.

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa bản địa, Tuy Đức còn là vùng đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trên địa bàn có 6 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Những năm gần đây, các điểm di tích này đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu.

tuyduc-8-(1).jpg
Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo huyện Tuy Đức có thể khai thác, phục vụ du khách

Huyện còn có các điểm di tích lịch sử quốc gia như các địa điểm đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, Đồn Bu Mêra (xã Đắk Buk So); địa điểm chiến thắng đồn Bu Prăng (xã Quảng Trực)... là minh chứng cho tinh thần kiên trung của đồng bào Tây Nguyên.

Nếu được đầu tư phát triển để trở thành các điểm tham quan về nguồn sẽ là những địa chỉ đỏ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tôi rất ấn tượng với thác Đắk G’lun. Không khí trong lành, cảnh quan hoang sơ, chưa bị thương mại hóa nhiều giúp tôi có cảm giác thư thái thực sự.

Chị Nguyễn Thị Thương, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh

Những người lần đầu đến Tuy Đức đều cảm nhận được sự khác biệt – một vẻ đẹp nguyên sơ hiếm nơi nào còn giữ được.

dsc03277(1).jpg
Tuy Đức vào mùa hoa mua tép nở

Từng cung đường nơi đây như dẫn dắt du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: một con suối trong vắt, một cánh đồng cỏ bạt ngàn, hay những rẫy cà phê mùa hoa bung nở trắng xóa trải dài tít tắp, tỏa hương nồng nàn trong gió.

Điểm đến không thể bỏ qua trong tương lai

Để phát huy tiềm năng sẵn có, huyện Tuy Đức đang tập trung vào ba hướng phát triển chính gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - cộng đồng và du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh.

Trước mắt, huyện đang từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông để kết nối các điểm du lịch, nâng cấp đường sá để du khách dễ dàng tiếp cận. Các khu du lịch sinh thái như thác Đắk G’lun, thác Đắk Búk So, rừng Nam Tây Nguyên đang được quy hoạch, từng bước tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

dsc02513(1).jpg
Tuy Đức có những đồi thông bạt ngàn, điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên cùng đường biên giới

Về du lịch văn hóa - cộng đồng, huyện đang hình thành một số mô hình bon làng M’nông vừa bảo tồn văn hóa, vừa kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng người dân. Các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên hơn, không chỉ để bảo tồn văn hóa mà còn để quảng bá hình ảnh địa phương.

Du lịch văn hoá lịch sử - tâm linh cũng là một hướng đi tiềm năng. Các di tích lịch sử như Đồn Bu Mêra, Địa điểm chiến thắng Đồn Bu P’răng hay Khu vực Đồn biên phòng Bu P’răng sẽ là điểm tham quan thú vị, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử hào hùng của vùng đất này.

Song song đó, huyện tăng cường quảng bá du lịch trên các nền tảng số, phối hợp với các đơn vị lữ hành để tổ chức tour chuyên đề, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

PN (1)

Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng chiến lược đồng bộ và lâu dài.

Huyện tập trung kêu gọi đầu tư, đặc biệt vào lĩnh vực du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá để tạo điểm nhấn sản phẩm du lịch riêng của huyện. Huyện đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông sớm được nâng cấp để giúp cho huyện kết nối nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi hơn cho du khách.

"Địa phương đặt mục tiêu gắn kết du lịch với văn hóa bản địa. Các hoạt động du lịch sẽ được lồng ghép đưa những nét đẹp văn hóa M’nông vào các sản phẩm du lịch, giúp du khách có trải nghiệm chân thực nhất. Các mô hình homestay, tour du lịch cộng đồng sẽ được hình thành và phát huy hiệu quả trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Anh nhấn mạnh.

dji_0621(1).jpg
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Tây Nguyên.

Với vẻ đẹp nguyên sơ cùng những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, nếu có sự đầu tư đúng hướng, trong tương lai không xa, huyện Tuy Đức hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Tây Nguyên.

Nguồn: https://baodaknong.vn/tuy-duc-va-muc-tieu-tro-thanh-diem-du-lich-hap-dan-247833.html


Chủ đề: Tuy Đức

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm