Một thập niên gần đây, những khung cảnh sơn cước cùng bản làng Việt Nam giữ hình ảnh truyền thống dường như “đắt khách” trên các trang thông tin du lịch thế giới
Sự ngạc nhiên đến từ chính người Việt: Quê hương mình lại có thể nên thơ và “đẳng cấp” thế sao? Cách Hà Nội chưa đầy 80km, khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) đưa ra một hình ảnh mượt mà bất ngờ của cộng đồng dân tộc Tày giữa vùng rừng núi. Ai lên đây cũng thắc mắc, sao người ở đây giỏi thế?
Không phải thắng cảnh nguy nga, đồi chè bát ngát hay sông suối thác nước hùng vĩ, mà chính ngôi làng nhỏ này đã thành điểm nhấn du lịch Thái Nguyên khi được Tổ chức du lịch Thế giới UNWTO (World Tourism Organization) vinh danh trong số 32 ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Để đạt được sự công nhận này, các ngôi làng phải đạt được 9 tiêu chí phức hợp. Thái Hải đã thành sự khởi đầu cho một nỗ lực phát triển du lịch không chỉ ở địa phương mà trên cả nước khi năm ngoái, ngôi làng thoát lũ Tân Hóa ở Quảng Bình cũng đã được vinh danh.
Nằm trong một thung lũng 25ha, với những ngọn đồi bao quanh một hồ nước sinh thái, Thái Hải ban đầu chỉ là mảnh đất hoang sơ, cằn cỗi, không có người canh tác.. Từ đầu những năm 2000, một người phụ nữ dân tộc Tày là bà Nguyễn Thị Thanh Hải khi thấy người dân ở An toàn khu Định Hóa, một vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp dỡ bỏ nhà sàn có tuổi đời lên đến 80 năm để xây nhà gạch mới, đã mua 30 ngôi nhà sàn về dựng lại.
Cư dân của Thái Hải cũng quần tụ từ nhiều địa phương khác nhau về, vốn dĩ là điều quen thuộc ở mảnh đất Thái Nguyên ngày xưa đèo heo gió hút.
Hơn 80 năm trước, thi sĩ Nguyễn Bính phiêu dạt qua miền đất Thái Nguyên đã từng có những câu tuyệt bút: “Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh? Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm? Da trời ai nhuộm mà lam? Tình ta ai nhuộm, ai làm cho phai?” (Vì ai) hay “Đèo cao cho suối ngập ngừng. Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều… Đồi sim dan díu nương chè.
Trắng phau khói núi, xanh lè áo ai” (Đường rừng chiều). Giờ đây cỏ đồi vẫn xanh, sắc áo chàm vẫn in đậm lên những nương chè, và mắt những cô gái vẫn biếc dưới vành khăn duyên dáng. Nhưng Thái Hải không gợi niềm cô liêu như thi nhân thuở trước. Gần 200 thành viên của cộng đồng như lời họ tự giới thiệu là “cơm chung nồi, tiền chung túi”, sớm chiều rộn ràng hoạt động trong một không gian sinh thái gợi nhớ những hợp tác xã lý tưởng.
Tạp chí Heritage