Sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người lính Hải quân, Cảnh sát biển; tinh thần quyết tâm bám biển của ngư dân và lòng tin, trách nhiệm của người dân yêu nước… là bức tường thành vững chắc, bất khả xâm phạm
Từ ngàn xưa đến nay, cha ông ta đã luôn phải đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm để giữ yên bờ cõi, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng một Việt Nam hùng cường, chúng ta càng phải ý thức giữ gìn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Giữ cửa trước rồi mới đến giữ nhà
Gần đây nhất là việc Trung Quốc có nhiều hành động gây hấn trên biển Đông, đe dọa chủ quyền và an ninh khu vực biển đảo của Việt Nam. Trước tình hình đó, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tuân theo đường lối ngoại giao của Đảng và nhà nước, dùng những biện pháp tích cực nhất để đấu tranh.
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam là niềm tin bất diệt về chủ quyền biển đảo. Đối với ngư dân, biển đảo còn có một ý nghĩa lớn lao hơn. Nó là cuộc sống, là hơi thở, là tình yêu. Ngư dân ta ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã ra sức bám biển với hai mục đích: Một là nhằm bảo đảm sinh kế, đem lại nguồn lợi từ hoạt động đánh bắt cá; hai là góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Thực tiễn cho thấy ngư dân ta đã phát hiện kịp thời nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền, những hoạt động trái phép trên biển để báo cáo với lực lượng chức năng.
Đối với một quốc gia, đất liền là nhà và biên giới biển đảo là cửa, phải giữ cửa trước rồi mới đến giữ nhà. Vì vậy, có thể nói vai trò của ngư dân, những chiến sĩ biên phòng, lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển là rất lớn. Họ được ví như linh hồn, mạch nguồn sự sống của chủ quyền biển đảo quốc gia.
Tàu thuyền đánh cá của ngư dân khi dong buồm ra khơi đều phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Cờ Tổ quốc nhắc nhở họ về ý thức trách nhiệm của một người dân đối với đất nước, nhắc nhở về chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, nhắc nhở về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sứ mệnh cao đẹp. Vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo cha ông ta bao đời nay gìn giữ, các thế hệ ngư dân Việt Nam kiên định với sứ mệnh cao cả của mình, vượt qua bao gian nguy, trở thành những “cột mốc sống” trên biển, tiếp thêm sức mạnh to lớn cho mọi người dân Việt trong việc quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa LớnẢnh: Quang Liêm
Kết tinh của lòng yêu nước
Để gìn giữ chủ quyền biển đảo được toàn vẹn như hôm nay, ngoài lòng tin kiên định của nhân dân ta và tinh thần quyết tâm bám biển của ngư dân còn là sự cống hiến, hy sinh sức trẻ đời trai của những chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển. Họ ngày đêm canh giữ, sát cánh cùng nhau bảo vệ biển trời Tổ quốc. Sự cống hiến, hy sinh ấy là kết tinh của lòng yêu nước, vì một Việt Nam độc lập – tự do.
Hầu hết mọi người đều quan niệm rằng sức trẻ đời trai là để lo xây dựng tương lai sự nghiệp, trở nên giàu có, chăm sóc vợ hiền con ngoan, tận hiếu với cha mẹ. Nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã bỏ lại tất cả sau lưng, khoác ba-lô lên đường trở thành những chiến sĩ Hải quân, những Cảnh sát biển ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió, chấp nhận hy sinh vì lý tưởng cao cả. “Các anh đứng như tượng đài quyết tử/ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra/ Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt/ Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa” (trích thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” – Nguyễn Việt Chiến).
Là một giáo viên dạy lịch sử, bằng nhiều cách, tôi cố gắng hun đúc cho các em học sinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về chủ quyền biển đảo Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm cho đến tận hôm nay và mãi mãi sau này. Tôi giáo dục các em về sự yêu quý, nhắc nhớ những sự hy sinh cao cả, xương máu cha ông và đồng bào ta. Qua đó, giúp các em hình thành được thái độ, trách nhiệm của mình đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Biển đảo là tình yêu, là máu thịt của dân tộc Việt Nam. Việc không để bất cứ ai xâm phạm đến chủ quyền biển đảo còn liên quan mật thiết đến danh dự quốc gia, đến lòng tự tôn dân tộc. Là thế hệ con cháu, chúng ta tiếp tục gìn giữ, tuyệt đối không để chủ quyền biển đảo bị xâm chiếm. Mỗi chúng ta phải phấn đấu, đóng góp bằng nhiều cách có thể, xây dựng một Việt Nam hùng cường, lớn mạnh, vì độc lập toàn vẹn lãnh thổ và khát vọng, yêu chuộng hòa bình.
Có thể nói sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người lính, tinh thần quyết tâm bám biển của những ngư dân và lòng tin, trách nhiệm của người dân yêu nước sẽ là bức tường thành vững chắc, bất khả xâm phạm. Chúng ta hãy đoàn kết, đoàn kết một lòng, cùng nhau quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, quyết tâm thực hiện khẩu hiệu sáng đẹp: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Là một người con của đất Việt, tôi luôn giữ vững niềm tin về chủ quyền biển đảo quốc gia, niềm tin về đường lối ngoại giao của Đảng và nhà nước, về sự biết ơn và tự hào trước những sự hy sinh của biết bao con người vĩ đại vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.
Mời bạn viết tham gia cuộc thi
Cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”), gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích – mỗi giải 10 triệu đồng.
Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn viết tham gia cuộc thi. Nội dung, thể lệ cuộc thi và các quy định xem chi tiết tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-ve-chu-quyen-bien-dao-20200803210847858.htm. Tác phẩm dự thi gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM; email: [email protected].
Vừa qua, Tòa soạn Báo Người Lao Động nhận được tác phẩm dự thi của một số tác giả sau: Trương Thanh Liêm (Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ) với tác phẩm dự thi: “Về thăm quê biển anh hùng”; Nguyễn Thanh Tòng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp; Paris – Pháp), tác phẩm: “Ký ức biển đảo quê hương Trường Sa”; Lê Thị Thu Thanh (đội 2 – Bách Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), tác phẩm: “Một chút nắng gió Lý Sơn”; Phạm Lê Thạch Thảo (bút danh Phạm Xuân Dũng), tác phẩm: “Người ở biển”; Nguyễn Thị Huệ (310-312-314 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM), tác phẩm: “Canh giữ biển trời”; Đinh Thành Trung (nhà B4, số 261 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội), tác phẩm: “Vì sự toàn vẹn chủ quyền”; Bùi Văn Tuệ (TP Hà Nội), tác phẩm: “Con sóng nào đã cuốn các anh đi”; Võ Thị Lệ Thủy (tỉnh Đắk Nông), tác phẩm: “Những ngày trên đảo Hòn Khoai”; Đỗ Thị Tuyết Mai (91 ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), tác phẩm: “Ngọn lửa cách mạng nhìn từ biển”; Phan Ngọc Quang (Res 3, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM), tác phẩm: “Tấm lòng người cựu binh Gạc Ma”; Tuấn Cường (38 Phước Sơn, đường 11, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), tác phẩm: “Để đất liền trọn niềm vui”…
Tòa soạn sẽ chọn đăng các tác phẩm trong thời gian tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/tuong-thanh-vung-chac-tren-bien-20200903205500215.htm