Dù chia tay giải đầy tiếc nuối, nhưng các cầu thủ U20 đã có trải nghiệm quý báu Ảnh: VFF
Như chính HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trên hành trình trở về Việt Nam: “Đến giờ tôi vẫn còn rất tiếc, bởi các em đã thể hiện rất tốt ở 2 trận trước đó, thậm chí họ cũng chơi không hề tệ trong trận gặp U20 Iran. Chỉ tiếc là thể hình khá nhỏ và thể lực bị bào mòn sau những trận đấu căng thẳng vừa qua đã không thể giúp chúng ta làm tốt hơn”.
Sự nghiệt ngã của bóng đá
Không tiếc làm sao được khi 6 điểm sau 2 chiến thắng, là thành tích thường đủ để lọt vào vòng trong ở bảng đấu 4 đội với 2 đội đầu bảng đi tiếp. Không tiếc làm sao được khi đến phút 75, chỉ 15 phút nữa trận đấu kết thúc, U20 Việt Nam vẫn cầm hòa U20 Iran đồng nghĩa vẫn cầm trong tay tấm vé, để rồi bị loại vì chỉ số phụ. Và không tiếc làm sao được khi thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã có những màn trình diễn đầy ấn tượng, cho thấy đủ bản lĩnh và năng lực để đánh bại mọi đối thủ và hoàn toàn có thể tiếp bước đàn anh làm nên kỳ tích trên đấu trường châu lục và giành vé tham dự U20 World Cup. Nhưng, bóng đá luôn có những khoảnh khắc nghiệt ngã như thế. Thế hệ Văn Trường, Quốc Việt hay Văn Khang đã không thể tiến xa như các đàn anh, nhưng đã có trải nghiệm quý báu để trưởng thành.
Hơn thế nữa, giấc mơ World Cup không còn nhưng những giấc mơ khác vẫn còn. Sau giải U20 châu Á, nhiều cầu thủ hứa hẹn sẽ được triệu tập vào đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32, sau Đại hội thể thao Đông Nam Á là Asian Cup 2023, sau Cúp bóng đá châu Á là vòng loại World Cup 2026, một giấc mơ World Cup khác lớn hơn. Chính ông Philippe Troussier, HLV ĐT Việt Nam cho biết: “Hiện tại, trong danh sách đội U20, tôi từng làm việc với 80% số cầu thủ này ở cấp độ U19. Theo đánh giá của tôi, tôi đã điền tên 14, 15 cầu thủ vào danh sách 50 cái tên sơ bộ cho SEA Games 32. Còn quá sớm để nói họ hòa nhập được với đội tuyển hay không, nhưng tôi tin có 6 hoặc 7 cầu thủ U20 có thể cạnh tranh vị trí trong thời gian tới, khi chúng tôi chuẩn bị cho các giải đấu trước mắt, hay dài hạn là hướng tới vòng loại World Cup 2026”.
Màn trình diễn của đội tuyển U20 Việt Nam tại vòng chung kết U20 châu Á đem lại nhiều tín hiệu tích cực hơn là niềm vui chiến thắng hay nỗi buồn chiến bại. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, lứa cầu thủ này đã thể hiện sự gắn kết, đồng đều, lối chơi mang hơi hướng hiện đại, không rườm rà và được tổ chức bài bản. Ngoài các tình huống dàn xếp tấn công rất bài bản và mạch lạc, các pha tổ chức gây áp lực quyết liệt ngay bên phần sân đối phương cũng được triển khai nhịp nhàng, với ý đồ rõ ràng. Trên hết, lứa cầu thủ này đang thể hiện được ý chí quật cường, nỗ lực phi thường trước mọi thử thách, cho dù phải đường đầu với những đối thủ được đánh giá cao hơn và gặp nhiều bất lợi từ các quyết định của trọng tài.
Trên phương diện cá nhân, những cầu thủ như Văn Trường, Quốc Việt hay Văn Khang đều ít nhiều gây ấn tượng. Trong đó, Quốc Việt kết thúc giải đấu với 2 bàn thắng, đến từ 2 pha xử lý đầy ấn tượng, cho thấy kỹ năng của một tay săn bàn hứa hẹn.
Quốc Việt, ngôi sao tỏa sáng từ tình yêu
Đến xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trong ngày U20 Việt Nam đấu với U20 Iran, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Vượt, bố của tiền đạo Quốc Việt. Ông chia sẻ kỹ năng dứt điểm của cậu con trai có lẽ hình thành từ những ngày theo chân bố lang thang khắp các sân phủi của xã, huyện. “Ngay ấy, cứ mỗi lần dắt xe ra là đã thấy cu cậu đi tất, xỏ giày, mặc quần đùi áo số sẵn sàng theo chân bố”, ông Vượt nhớ lại những ngày rong ruổi cùng cậu con trai. Tuy nhỏ tuổi và không thể thi đấu với các anh lớn nhưng Việt luôn quần áo chỉnh tề và đặc biệt luôn đeo tất, điều hiếm thấy ở các cậu bé thôn quê.
Đam mê bóng đá cháy bỏng của Quốc Việt tất nhiên được truyền lại từ bố. Ông Vượt cho biết, ông từng “10 năm làm bầu cho đội bóng phủi xã nhà đi chinh chiến khắp huyện, bây giờ lớn tuổi rồi nên thi thoảng đóng góp cho đội quần áo, giày dép”. Khi cậu con trai quyết tâm theo đuổi nghiệp quần đùi áo số, ông Vượt hết lòng ủng hộ. Từ Hải Phòng, Hải Dương đến Viettel, từ Đắk Lắk đến HAGL-JMG, hiện là Nutifood JMG, không nơi nào không in dấu chân bố con ông Vượt trên hành trình thắp sáng giấc mơ chơi bóng của Quốc Việt.
Thành công của Việt chính là niềm tự hào và hạnh phúc của ông Vượt và cả đại gia đình. Không chỉ ông Vượt, cả đại gia đình Quốc Việt đều giành tình yêu cháy bỏng dành cho trái bóng tròn. Bà nội Quốc Việt tuy đã lớn tuổi nhưng không bỏ sót trận nào của đứa cháu yêu quý. Cả tiếng trước thời điểm trận đấu diễn, bà đã xếp ghế ngồi sẵn ngay cạnh ti-vi để mong ngóng. Ông Vượt chia sẻ về Quốc Việt hàng giờ đồng hồ, bà cũng đứng bên cạnh nghe không sót một chữ. Bà móm mém kể, “thằng Việt mê đá bóng lắm, đi đá bóng mà mất hai chiếc xe đạp”.
Không phải đến khi Quốc Việt tạo tiếng vang những người trong gia đình mới dành tình cảm đặc biệt cho tiền đạo này. Gia đình ông Vượt có 9 anh chị em, cả nhà sống quây quần trên mảnh đất cha ông để lại. Các ngôi nhà được xây thành hình chữ U, ở giữa là khoảnh sân rộng để đại gia đình quây quần bên nhau. Ông Vượt tuy đã ra ở riêng, đang xây nhà cách đại gia đình chừng 1 cây số. Quốc Việt mỗi lần về phép thường “ăn cơm ở nhà bà nội nhiều hơn ở nhà”.
Hết trận U20 Việt Nam đấu với U20 Iran trời cũng tối hẳn, không khí trong nhà có phần trầm lặng bởi trận thua đáng tiếc của Quốc Việt và các đồng đội. Sau bữa cơm vội, ông Vượt tiễn chúng tôi ra xe trở về Hà Nội. “Buồn quá!”, bất giác, ông Vượt cảm thán. Nghe câu nói của ông, chúng tôi cũng nhâm nhẩm tiếc. Giá như chúng ta ghi thêm 1 bàn nữa, giá như chúng ta không để thủng lưới… nhưng bóng đá là vậy. Mỗi thất bại sẽ lại cho ta bài học quý giá. Quan trọng hơn hết là giữ được ý chí và nỗ lực không ngừng. Tương lai của Quốc Việt và bóng đá Việt Nam sẽ còn rộng mở nếu luôn nhận được tình yêu từ gia đình, người thân và khán giả.
NGỌC TRUNG