Đèo Pha Đin nối liền 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La có độ cao 1.648m so với mực nước biển, không chỉ nổi tiếng với những cung đường quanh co, mây phủ mà còn được biết đến bởi đặc sản táo mèo thơm ngon. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều người đã phải chặt bỏ vì táo mèo không còn phát huy giá trị kinh tế.
Chị Vừ Thị Thào – người dân bản bản Lồng, xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo cho biết, năm nay giá táo mèo có phần nhích nhẹ so với năm ngoái, dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tùy loại quả. Tuy nhiên do mưa nhiều nên sản lượng giảm sút đáng kể.
Theo chị Thào, tại xã Tỏa Tình ngoài gia đình chị thì còn nhiều hộ gia đình khác cũng đã quyết định chặt bỏ một phần diện tích táo mèo để chuyển sang trồng các loại cây khác, với hy vọng có một nguồn thu nhập ổn định hơn.
“Trước đây gia đình tôi có hơn 3ha trồng cây táo mèo, tuy nhiên đến nay đã chặt bỏ gần một nửa diện tích để chuyển sang trồng cây cà phê và cây lê” – chị Thào cho hay.
Để tiêu thụ sản phẩm táo mèo, các hộ gia đình đã chủ động tìm kiếm các kênh bán hàng mới. Ngoài việc bán trực tiếp tại vườn, bán lẻ, còn gửi táo mèo đi các tỉnh miền xuôi bằng xe khách. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn rất chậm do thị trường không còn ưa chuộng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực đèo Pha Đinh, từ nhiều năm nay người dân đã dần thay thế cây táo mèo và chuyển sang trồng cà phê, mắc ca hay cây dưa mèo – những loài cây đã được coi là đặc sản và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân trên đỉnh đèo Pha Đin.
Chị Sùng Thị Nhìa – bản Háng Tàu, xã Toả Tỉnh cho biết người dân ở đây thường trồng xen canh dưa mèo với ngô trên nương, tận dụng tối đa diện tích đất. Mùa dưa mèo thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, mang đến cho bà con một nguồn thu nhập đáng kể.
Theo chị Nhìa, một quả dưa mèo thường nặng 0,8-1,5kg, thậm chí có quả nặng hơn 2kg. Giá bán lẻ hiện nay khoảng 10 – 20 nghìn đồng/kg tùy loại quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Sùng A Chứ – Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo – cho biết, những năm gần đây cây táo mèo không còn được trồng mới và rất nhiều người dân đã chặt bỏ. Trên địa bàn xã hiện có hai loại cây trồng chiếm diện tích lớn là cà phê (hơn 729ha) và mắc ca (190ha).
“Mặc dù cây táo mèo không cần nhiều thời gian chăm sóc nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm thì rất khó. Do vậy, chỉ trong vòng 2 năm qua, diện tích cây táo mèo toàn xã đã giảm từ 120ha xuống còn 84ha” – ông Chứ cho biết thêm.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, trong thời gian tới xã tiếp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chọn cây mắc ca và cây cà phê là cây chủ lực.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tuong-lai-mit-mo-cua-loai-son-tra-tren-dinh-deo-pha-din-1384505.ldo