Mỹ, Israel bàn về “hai nhà nước”
Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu đã điện đàm ngày 19.1 (giờ địa phương), một ngày sau khi nhà lãnh đạo Israel tái khẳng định ông phản đối bất kỳ hình thức chủ quyền nào cho người Palestine. Sau cuộc trao đổi, ông Biden cho biết ông Netanyahu không phản đối mọi phương án “hai nhà nước”.
“Giải pháp hai nhà nước có một số kiểu khác nhau. Một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hiện vẫn không có quân đội riêng… Và vì vậy, tôi nghĩ có nhiều cách để điều này có thể trở thành hiện thực”, The Times of Israel dẫn lời ông Biden nói với các phóng viên trong một sự kiện ở Nhà Trắng.
Chính quyền Mỹ đã gây áp lực buộc Israel phải giảm thiểu thương vong ở Gaza ngay cả khi vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Netanyahu trong cuộc chiến chống lại Hamas. Song hai đồng minh không đồng quan điểm về việc người Palestine phải có một nhà nước, giải pháp mà ông Biden ủng hộ để đạt được hòa bình lâu dài.
Trong một cuộc họp báo ngày 18.1, ông Netanyahu cho biết ông đã nói với Washington rằng Tel Aviv “phải có quyền kiểm soát an ninh đối với toàn bộ lãnh thổ phía tây sông Jordan”, thừa nhận điều này “mâu thuẫn với ý tưởng về chủ quyền” của Palestine, theo Reuters. Ông cũng nói hầu hết người dân Israel không ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” và ông sẽ luôn phản đối ý tưởng này.
Thủ tướng Israel kiên quyết nói không với Mỹ về thành lập nhà nước Palestine
Trong bối cảnh đó, quân đội Israel đã đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía nam Gaza hôm 20.1, tập trung vào thành phố Khan Younis. Truyền thông Palestine cũng đưa tin về hỏa lực dữ dội xung quanh khu vực Jabalia ở phía bắc Gaza cùng ngày. Cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành ngày 20.1 cho biết xung đột đã làm thiệt mạng ít nhất 24.927 người Palestine tại lãnh thổ này.
Căng thẳng leo thang ngoài Gaza
Chiến sự cũng đã lan sang khu vực xung quanh. Trong khi quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Li Băng thường xuyên đấu súng xuyên biên giới, các nhóm có liên kết với Iran đã tăng cường các cuộc tấn công, đẩy Trung Đông đến gần hơn một cuộc chiến quy mô khu vực.
Kể từ cuối tuần trước, Mỹ và đồng minh đã tiến hành các cuộc không kích chống lại phong trào Houthi ở Yemen, lực lượng gần đây liên tục nhắm vào tàu bè ở biển Đỏ. Mới nhất, Bộ tư lệnh Trung khu của quân đội Mỹ (CENTCOM) hôm 19.1 cho hay họ đã phá hủy 3 tên lửa diệt hạm mà họ xác định Houthi sắp bắn ra phía nam biển Đỏ.
Một quan chức hàng đầu của Hezbollah ngày 19.1 cảnh báo Israel sẽ “nhận lại một cái tát thực sự vào mặt” nếu Israel mở rộng giao tranh dọc biên giới Li Băng – Israel. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố nước này sẵn sàng “đạt được an ninh bằng vũ lực” ở biên giới phía bắc.
Bắn tên lửa vào nhau, Iran-Pakistan vẫn muốn tránh xung đột
Trong diễn biến đáng chú ý, Israel đã thực hiện cuộc tấn công tên lửa nhằm vào một tòa nhà ở thủ đô Damascus của Syria hôm 20.1, khiến 5 người thiệt mạng, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh). Tổ chức giám sát cho biết tòa nhà nằm trong khu vực an ninh cao, nơi các chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lãnh đạo các phe phái Palestine thân Iran cư trú. Vụ tấn công xảy ra khi các quan chức này đang họp tại tòa nhà, và Reuters đưa tin 4 trong số những người thiệt mạng là thành viên IRGC.