(CLO) Sự sụp đổ của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dẫn đến việc hình thành một chính phủ chuyển tiếp, mang lại tương lai mới cho người dân Syria. Hiện nay, cộng đồng quốc tế quan tâm đến việc các lực lượng chiến thắng sẽ chia sẻ quyền lực như thế nào, trong đó không thể bỏ qua vai trò của người Kurd ở Syria.
Người Kurd muốn có chỗ đứng trong chính phủ chuyển tiếp
Theo The Wall Street Journal (WSJ), lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, nòng cốt trong liên minh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thân Mỹ, muốn bắt đầu đàm phán với chính quyền mới ở Damascus để thảo luận về vai trò của người Kurd trong tiến trình chính trị đất nước sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Để đạt được mục tiêu này, chỉ huy của SDF Mazloum Abdi đã kêu gọi chính quyền Washington tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại tiềm năng trong tương lai.
Hiện nay, SDF thực hiện quyền kiểm soát với tên gọi Cơ quan quản lý tự trị Rojava ở phía đông bắc Syria, có diện tích chỉ hơn 47.000 km2. Hiến pháp địa phương cho biết, vùng lãnh thổ này được hình thành vào đỉnh điểm của cuộc nội chiến năm 2012 “như một phần của quá trình liên bang hóa Syria”, tạo ra một môi trường xã hội dân sự dân chủ – sinh thái ở Trung Đông, không có mục tiêu để lập một quốc gia, mà để bãi bỏ hình thức nhà nước và tất cả các hệ thống phân cấp của nó.
Các nỗ lực không phải là để trở thành một nước độc lập của người Kurd và không có liên minh của các nước thành viên, nhưng để phát triển một hành chính cộng đồng tự quản thông qua tổ chức cơ sở dựa vào cộng đồng và không đụng chạm đến biên giới quốc gia. Tư tưởng của dòng chính trị này là ý thức hệ theo chủ nghĩa cộng đồng tự do.
Theo chỉ huy Mazloum Abdi, người Kurd ở Syria có ý định đạt được sự phân quyền ở Syria. Ngoài ra, như WSJ lưu ý, người Kurd muốn có đại diện trong chính phủ mới, cũng như sự hợp nhất của lực lượng vũ trang người Kurd vào quân đội Syria. Người Kurd là dân tộc lớn thứ hai ở Syria sau người Ả Rập. Theo nhiều ước tính khác nhau, tỷ lệ của người Kurd chiếm khoảng 12% (trong số 20 triệu người trước cuộc nội chiến).
Bình luận về thông điệp của Mazloum Abdi, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Nhà Trắng đang tham khảo ý kiến của các lãnh đạo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) về tương lai của một thời kỳ chuyển tiếp, nhưng còn quá sớm để có thể phác thảo một đường nét cụ thể.
Không giống như các nhóm đối lập khác ở Syria, trong cuộc nội chiến, người Kurd ở Syria không chiến đấu với quân chính phủ mà tập trung sự chú ý vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhưng kể từ khi tình hình chiến sự leo thang vào ngày 27/11, SDF cũng tiến hành một cuộc tấn công vào Aleppo mặc dù không thành công, và vào ngày 6/12, họ đã chiếm được thành phố Deir ez-Zor ở phía đông đất nước từ tay chính quyền Damascus, sau đó thành phố này được chuyển giao cho các đơn vị vũ trang đối lập Ả Rập vào ngày 12/12.
Người Kurd ở Syria cũng hoan nghênh việc lật đổ chế độ Assad. Vài ngày sau khi chế độ Assad bị lật đổ, người Kurd treo “lá cờ độc lập” được phe đối lập Syria sử dụng trong cuộc nội chiến trên tất cả các cơ quan chính phủ ở Rojava. Sau đó ngày 8/12, thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Julani đã gọi người Kurd là “một phần của quê hương Syria và là đối tác của Syria trong tương lai”.
Những mâu thuẫn, xung đột giữa các bên
Theo RIA Novosti, đại diện SDF Abdelsalam Ahmad cho biết, sau khi thay đổi quyền lực ở Syria, phiến quân IS đã lợi dụng tình hình hỗn loạn để hoạt động tích cực hơn ở phía đông bắc nước này. Ông Abdelsalam Ahmad cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ SDF, lực lượng mà Ahmad lưu ý đã đóng “một trong những vai trò quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Vấn đề lớn nhất đối với người Kurd hiện nay là thái độ thù địch của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn coi lực lượng này có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara luôn muốn tiêu diệt. Đối với Ankara, sự xuất hiện của IS mà người Kurd đưa ra “chỉ là cái cớ để lực lượng này có chỗ đứng trong chính phủ mới ở Syria”.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yashar Guler tuyên bố, ông không thấy có dấu hiệu nào về sự hồi sinh của IS ở Syria, vì trong 3 năm qua “không ai nghe nói về các cuộc tấn công của họ” trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập. Ông nói, mối đe dọa an ninh thực sự là do nhóm người Kurd, Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), một phần của SDF, gây ra. Ankara coi YPG là sự tiếp nối của PKK mà họ đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ.
Theo Kirill Semenov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết về mặt lý thuyết, Damascus sẵn sàng trao quyền tự trị cho người Kurd địa phương, nhưng không phải dưới hình thức quản lý hiện tại và chỉ ở những khu vực mà người Kurd sinh sống tập trung. Quyền tự trị này sẽ không giống với người Kurd ở Iraq về hình thức, bởi vì, không giống như Iraq, ở Syria, người Kurd sống xen kẽ.
Còn theo Iqbal Durre, chuyên gia tại Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow nhận định, người Kurd ở Syria muốn đạt được thỏa thuận với Damascus nhằm bảo vệ các quyền của họ tại quốc gia này trong thời kỳ quân sự ổn định và mối đe dọa rình rập từ nhóm Quân đội Quốc gia Syria (SNA), vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong thời gian leo thang, dưới áp lực của phiến quân SNA, SDF trước đó đã buộc phải rời khỏi vùng đất Tel Rifaat và phía đông Aleppo.
Ông Iqbal Durre cho rằng, Ankara nhất quyết loại SDF và YPG khỏi khả năng tham gia vào chính phủ Syria trong tương lai. “Thành công sẽ phụ thuộc vào mức độ Mỹ hỗ trợ người Kurd giải quyết vấn đề này trong bối cảnh bất ổn sau khi Donald Trump đến Nhà Trắng.
Cho đến nay, Washington đang đàm phán với Ankara về vấn đề này, nhưng hiện tại quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm ưu thế trong cuộc xung đột ở Syria”, chuyên gia Iqbal Durre giải thích.
Ngoài ra, một trở ngại khác trong việc giải quyết vấn đề của người Kurd là sự không tương thích về hệ tư tưởng của SDF và HTS. Bên cạnh đó, cũng có những bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa những người Hồi giáo cực đoan và ôn hòa hiện đang kiểm soát Damascus.
Mặc dù những khác biệt này không gay gắt như trong cuộc đối đầu với chế độ Assad, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ không nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột lợi ích mới giữa các bên. Vì vậy, còn quá sớm để nói về việc bình định Syria sau kỷ nguyên Assad.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tuong-lai-cua-nguoi-kurd-trong-viec-chia-se-quyen-luc-o-syria-thoi-hau-assad-post325957.html