Nhất trí về nguyên tắc
Sau hàng loạt cuộc đàm phán cam go, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 27.5 (giờ địa phương) đã đạt được “nhất trí về nguyên tắc” đối với việc tạm thời gỡ bỏ giới hạn nợ công, đồng thời cắt giảm một số khoản chi tiêu của chính phủ liên bang trong vòng 2 năm. Theo đó, việc vay tiền của chính phủ Mỹ sẽ được phép vượt mức trần 31,4 nghìn tỉ USD đến tháng 1.2025, tức sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở nước này.
“Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của quản lý nhà nước”, ông Biden nói trong tuyên bố được Nhà Trắng phát đi tối 27.5, theo Hãng tin AP. Nhà lãnh đạo thuộc đảng Dân chủ cho rằng thỏa thuận này là “tin tốt cho người dân Mỹ, vì nó ngăn chặn những gì có thể sẽ là một vụ vỡ nợ thảm khốc”.
Trong cuộc họp báo chớp nhoáng tại Điện Capitol tối 27.5, ông McCarthy, người của đảng Cộng hòa, cho hay thỏa thuận chứa đựng “các khoản cắt giảm lịch sử trong chi tiêu của chính phủ”, nhưng “chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm tối nay để hoàn chỉnh văn bản (dự luật)”. Ông cũng cho rằng thỏa thuận này xứng đáng với người dân Mỹ.
Áp lực chưa tan
Các nhà lập pháp cũng như Nhà Trắng đang chịu áp lực phải hành động nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo chính phủ nước này có thể thiếu tiền để trả các khoản nợ của mình ngay sau ngày 5.6, một kịch bản có thể gây ra những hậu quả kinh tế và tài chính sâu sắc.
Để tránh vỡ nợ, Hạ viện và Thượng viện Mỹ phải thông qua thỏa thuận và gửi cho Tổng thống Biden để ông ký. Đây sẽ là thách thức lớn đối với cả ông McCarthy và lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện là hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries. Giờ đây, cả hai sẽ phải tập hợp liên minh lưỡng đảng để thông qua thỏa thuận tại Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát với đa số mỏng manh (222-213).
Tổng thống Biden nhượng bộ gì ?
Trọng tâm của việc đàm phán kéo dài nhiều tuần qua là việc đảng Cộng hòa đòi cắt giảm ngân sách liên bang để đổi lại việc nâng trần nợ công. Theo báo The Wall Street Journal, Tổng thống Biden có vẻ đã nhượng bộ khi đồng ý duy trì chi tiêu phi quốc phòng trong năm 2024 bằng với mức năm nay và chỉ tăng 1% trong năm 2025.
Thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản buộc cắt giảm 1% chi tiêu của chính phủ nếu toàn bộ 12 dự luật phân bổ ngân sách không được thông qua trước khi năm nay kết thúc. Tuy nhiên, thỏa thuận dự kiến sẽ nâng chi tiêu quốc phòng của Mỹ lên mức 885 tỉ USD, tức tăng khoảng 11% so với 800 tỉ USD được phân bổ trong ngân sách hiện tại.
Một số nhà lập pháp cánh hữu vốn đòi hỏi cắt giảm ngân sách nhiều hơn nữa đã thể hiện sự bất bình đối với thỏa thuận. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Bob Good viết trên Twitter rằng ông nghe nói thỏa thuận sẽ khiến nợ công tăng thêm 4.000 tỉ USD, đồng thời tuyên bố bất cứ người nào tự nhận mình theo Cộng hòa thì cũng không thể bỏ phiếu thuận.
Trong tuyên bố tối 27.5, Tổng thống Biden đã kêu gọi lưỡng viện quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua thỏa thuận. Trong khi đó, ông McCarthy cho biết nội dung hoàn chỉnh của dự luật sẽ được công bố trong ngày 28.5 và việc biểu quyết tại Hạ viện Mỹ có thể diễn ra vào ngày 31.5.
Ông McCarthy đã nhiều lần nói rằng ông tin đa số các hạ nghị sĩ thuộc đảng của ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu đảng viên Cộng hòa sẽ ủng hộ – cũng như có thể phải cần bao nhiêu đảng viên Dân chủ bỏ phiếu thuận để bù vào các phiếu chống của phe Cộng hòa.
Con đường này cũng có thể sẽ gập ghềnh ở Thượng viện Mỹ, nơi hành động nhanh chóng đòi hỏi sự ủng hộ lưỡng đảng và những người bảo thủ đã ra dấu hiệu rằng họ không sẵn sàng đi theo, theo báo The New York Times. Phe Dân chủ hiện nắm quyền kiểm soát viện lập pháp này với tỷ lệ ghế 51-49, cũng như lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris.