Tượng gỗ dân gian có một vị trí đặc biệt trong văn hóa tâm linh của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tượng gỗ thể hiện khát vọng nhân sinh dung dị, đặc sắc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên bản địa.
Mỗi tác phẩm mang mỗi dáng vẻ biểu cảm, sắc thái riêng biệt được các nghệ nhân tạo nên chỉ từ những dụng cụ thô sơ như: rìu, đục, rựa…
Tượng gỗ Tây Nguyên có sự độc đáo rất riêng bởi không hề theo bất cứ khuôn mẫu, tỉ lệ, chuẩn mực nào trong điêu khắc. Nó tùy vào sự tài hoa, khéo léo của đôi tay, óc tưởng tượng phong phú của nghệ nhân.
Họ chỉ nhìn ngắm khúc gỗ, cầm cục than vạch vài đường nét theo chiều cong, thẳng của khúc gỗ để định hình dáng của bức tượng.
Cùng với sự thăng hoa bay bổng, chỉ sau vài đường rìu, nhát rựa mạnh mẽ, dứt khoát, bức tượng đã dần hiện ra.
Người Tây Nguyên chia tượng gỗ làm hai nhóm chính: tượng nhà mồ và tượng trang trí. Nhóm tượng nhà mồ luôn tuân thủ những quy định khắt khe của làng.
Gỗ từ rừng về vào thẳng khu vực nghĩa trang, cấm không được vận chuyển ngang qua làng. Thợ tạc tượng chỉ cầm dụng cụ đến khu nghĩa trang và tạc tại chỗ.
Những người thợ tài hoa của làng sẽ giúp gia đình tạc tượng để chuẩn bị cho lễ bỏ mả (Pơ thi). Những khúc gỗ đủ hình dáng qua tay rìu điêu luyện của thợ làng tạc nên những bức tượng mộc mạc như người ngồi bó gối ủ rũ, phụ nữ địu con, người giã gạo, người hút thuốc, thanh niên đánh trống…
Tất cả những bức tượng sinh động phản ánh đời sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Hơn nữa, nó thể hiện tình cảm luyến lưu và lời tiễn biệt của gia đình dòng họ với người đã khuất.