Chống hạn hiệu quả, giảm chi phí đầu tư
Vườn sầu riêng Dona rộng lớn của ông Bùi Quốc Việt ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được quy hoạch bài bản, với khoảng 1.000 cây trồng thuần.
Nhận thấy tầm quan trọng của nước đối với cây sầu riêng, ông Việt đã đầu tư hệ thống tưới phun mưa trên toàn bộ diện tích. Hệ thống cung cấp nước đầy đủ, duy trì độ ẩm ổn định cho đất và kết hợp bón phân qua đường tưới, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả nhất.
Ông Việt cho biết, công nghệ tưới hiện đại cung cấp nước và phân bón đồng đều giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, hạn chế được tình trạng khô hạn hoặc úng nước. Áp dụng hệ thống tưới tự động còn giúp gia đình giảm công lao động đáng kể.
Ngoài việc tưới nước, ông Việt còn trồng cỏ để giữ ẩm cho đất và giảm thiểu tình trạng xói mòn. Cách làm này giúp ông bảo vệ hệ sinh thái đất, giảm chi phí nhân công chăm sóc và tăng tính bền vững cho đất trong canh tác.
Theo ông Việt, từ khi áp dụng hệ thống tưới tự động, ông không còn lo cây bị thiếu nước hay tưới không đồng đều như trước. Mỗi mùa vụ, ông tiết kiệm được đáng kể chi phí nhân công, nước tưới và năng suất cây trồng lại tăng lên đáng kể.
Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, vườn sầu riêng của ông Việt luôn duy trì năng suất cao và chất lượng ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Việt đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sầu riêng đạt chất lượng tốt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu ra ổn định và giá bán cao.
“Nước, phân bón được cung cấp đủ, kịp thời theo giai đoạn phát triển của cây trồng, không gây lãng phí nước và chỉ cần 1 người vận hành hệ thống”, ông Việt nói về ưu điểm của hệ thống tưới.
Tương tự, vườn hồ tiêu 1.000 trụ của gia đình anh Nguyễn Văn Nin, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Hệ thống dây tưới nước anh lắp đặt ở trên cao, giúp việc xử lý cỏ dại không ảnh hưởng đến dây dẫn nước.
Quan trọng hơn, vào những ngày có sương muối, hệ thống này còn có thể tưới rửa sương, bảo vệ cây tiêu khỏi tác động tiêu cực của thời tiết. Ngoài ra, trong giai đoạn mùa khô, anh chủ động để cỏ tự nhiên trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất, hạn chế sự bốc hơi nước.
Sau thời gian áp dụng, anh Nin đánh giá, hệ thống tưới tiết kiệm nước mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Nước tưới được phân bổ đều, giúp cây phát triển ổn định hơn.
Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, công lao động và duy trì độ ẩm hợp lý cho vườn tiêu. Chi phí đầu tư ban đầu không quá cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất đáng kể.
“Hệ thống tưới tiên tiến giúp tôi chủ động thời gian tưới, không phụ thuộc nhân công, nguồn nước hay thời tiết như trước đây”, anh Nin chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đắk Nông hiện có khoảng 95.000ha cây trồng các loại ứng dụng một phần công nghệ cao. Trong đó, khoảng 3.200ha cây trồng áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Diện tích này tập trung chủ yếu ở Đắk Mil (900ha), Đắk Glong (700ha), Đắk Song (450ha), Gia Nghĩa (400ha)…
Cần được hỗ trợ để nhân rộng
Thực tiễn tại Đắk Nông cho thấy, trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Đắk Nông và người dân đã đầu tư, xây dựng các mô hình tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái.
Ưu điểm của các mô hình này là tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí nhân công, dễ dàng áp dụng các quy trình sản xuất đạt chuẩn nông nghiệp an toàn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp giảm hơn 30% lượng nước tưới và 70% nhân công lao động cho việc tưới nước.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này đang gặp một số khó khăn do chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống khá cao, khoảng 40 - 60 triệu đồng/ha.
Đắk Nông mới có khoảng 3.200/378.000ha sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Để nhân rộng mô hình này, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích nông dân đầu tư vào công nghệ tưới.
Cụ thể, cần tuyên truyền để nông dân tiếp cận và thấy được hiệu quả của hệ thống tưới tiên tiến mang lại cho cây trồng. Có chính sách hỗ trợ, những hộ sản xuất nhỏ lẻ, chưa có đủ nguồn lực đầu tư ban đầu.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật để giúp nông dân hiểu rõ cách vận hành, bảo trì hệ thống tưới cũng như áp dụng những phương pháp tưới phù hợp với từng loại cây trồng.
Ngành chức năng cần cập nhật thông tin và chuyển giao công nghệ một cách thường xuyên giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ mới nhất trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ tưới tiên tiến, hiện đại sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm công lao động và góp phần thay đổi tập quán của người nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ứng dụng công nghệ tưới không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp Đắk Nông phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Về giải pháp ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu ngành Nông nghiệp, người dân tăng cường và nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước.
Việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến và các ứng dụng hiện đại trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân dễ dàng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tuoi-tien-tien-giai-phap-ung-pho-kho-han-o-dak-nong-249216.html
Bình luận (0)