Trong vòng tay ôm chặt của mẹ, trung sĩ Huỳnh Thế Sơn (19 tuổi) không giấu được nụ cười: “Được mẹ ra thăm, cảm giác khó tả lắm. Đây đúng là khoảnh khắc có một không hai trong đời”. Giây phút mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Trung sĩ THÁI GIA BẢO
Con cố gắng, mẹ cũng cố gắng!
Từ ngày biết tin con đi làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn, bà Nguyễn Thị Lành (ở quận Tân Bình, TP.HCM) đếm từng ngày để gặp lại Bo (tên ở nhà của Huỳnh Thế Sơn). Trong lòng mẹ luôn canh cánh nỗi lo về cậu con trai út vốn được cả nhà yêu thương. “Làm mẹ mà, có lúc nào hết lo cho con. Là lo vậy nhưng mình luôn động viên, kêu con phải cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đi giữ biển đảo Tổ quốc rồi lại về” – bà Lành tâm sự.
Giây phút được gặp con ngay tại đảo Sinh Tồn, đôi mắt người mẹ đỏ hoe. Rồi bà lại tươi cười rạng rỡ khi thấy dáng vẻ trưởng thành, chững chạc của cậu út sau mấy tháng gặp lại. Nghe mấy chú chỉ huy và các bạn khen Bo ngoan lắm, lại nhanh nhẹn, tháo vát “đúng chất anh nuôi”, lòng mẹ như nở hoa.
Bà cứ xoa xoa tấm lưng chắc nịch, rồi lại nắm chặt đôi tay cứng cáp của con. Bà Lành kể lúc ở nhà út Bo được cả nhà cưng chiều lắm nên ít khi đụng tới việc nhà. Chuyện cơm nước hằng ngày một tay mẹ lo hết. Vậy mà ra đảo, cậu út cưng của cả nhà lại cứng cáp trong vai trò “anh nuôi”, đặc biệt còn tăng hơn chục ký so với hồi ở nhà.
“Để ra thăm con giữa nơi đảo xa thế này mẹ cũng phải cố gắng thật nhiều, phải vượt qua các vòng khám, đủ sức khỏe mới có thể vượt hành trình đến với con. Vậy nên Bo của mẹ cũng mạnh mẽ lên, nhớ giữ sức khỏe thật tốt” – bà Lành xúc động dặn con trai.
Thấy mẹ có vẻ lo lắng, trung sĩ Huỳnh Thế Sơn nhanh miệng động viên: “Mẹ yên tâm nha, Bo đã quen với nắng gió rồi, không có gì phải sợ hết!”. Con trai ngồi kể cho mẹ nghe về những tháng ngày mới ra đảo, quá trình huấn luyện giúp chiến sĩ mới rèn sức, rèn ý chí quyết tâm để vững vàng trước sóng gió, trong điều kiện khắc nghiệt.
Đảm đương nhiệm vụ hậu cần, chàng trai tuổi đôi mươi thật thà kể ngày trước ở nhà có biết chuyện bếp núc gì đâu nên mới đầu cũng loay hoay lắm. Vậy mà chỉ chừng hơn tháng, anh chàng quen việc, tự tin nhận nhiệm vụ chăm lo đời sống cho anh em chiến sĩ và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gấu bông mang hơi ấm của ba
Trước ngày đặt chân đến đảo Tốc Tan C, ông Thái Văn Vũ (ở TP.HCM) cứ nhấp nhổm không yên. Chốc chốc ông lại tới lui kiểm tra túi quà mang theo tặng con trai đang công tác ở quần đảo Trường Sa. Túi quà ấy không chỉ là những món đồ cậu con trai yêu thích mà còn gói ghém cả tình yêu thương của ba.
Ông Vũ kể tự tay mình đi chọn những món đồ cho con trai – trung sĩ Thái Gia Bảo (20 tuổi) – vốn mê mẩn từ hồi còn ở nhà. “Tui còn mang theo mấy chai nước ngọt, 100 quả trứng vịt và… thêm chú gấu bông từ huyện Củ Chi ra đây cho con” – ông Vũ khoe.
Lúc lên đảo, ông Vũ được ưu tiên cho xuống chiếc xuồng công tác đầu tiên vào đảo để còn tranh thủ thời gian gặp gỡ, nói chuyện với con trai. Ngay giây phút bước lên đảo, ông không giấu được bất ngờ khi nhìn thấy cậu con trai mới ngày nào còn ốm nhom ốm nhách mà mới mấy tháng gặp lại đã lớn như thổi, rắn rỏi hơn trước nắng gió Trường Sa.
“Chú thấy chúng con nuôi Bảo tốt không ạ?” – mấy anh lính đảo Tốc Tan C dí dỏm pha trò. Người cha nghe vậy mỉm cười gật đầu lia lịa: “Đúng rồi, hồi ở nhà nó ốm nhom đâu chừng hơn 50kg thôi mà giờ to con, nhìn rắn chắc quá trời”. Hỏi ra mới biết lúc ở nhà, Bảo cân nặng có 48kg. Thế mà ra Trường Sa mới có mấy tháng, anh chàng tăng thêm gần 20kg. Thân hình cao to, dáng vẻ rắn rỏi cùng làn da rám nắng khiến người cha không khỏi tự hào.
Từ ngày nhận nhiệm vụ ở môi trường mới, Bảo ra sức học tập, từ sinh hoạt đến rèn nề nếp ở đảo và đặc biệt là phát huy tinh thần đoàn kết với đồng đội. Bảo khoe với ba bí quyết ăn nhiều, tập luyện nhiều, cứ rảnh rỗi là lại tập luyện.
Ở nơi xa xôi dẫu còn nhiều khó khăn nhưng Thái Gia Bảo quyết tâm sẽ vượt mọi trở ngại để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, cũng là đang thi hành nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân Việt Nam. “Ra đảo, được làm quen với biển cả, có lẽ chính điều kiện có khắc nghiệt hơn so với đất liền đã giúp mình rèn luyện được phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ” – trung sĩ Gia Bảo nói.
Cái ôm của mẹ và lời hứa với ba
Trước khi rời đảo, bà Lành trao cho Sơn và những người lính trẻ trạc tuổi con mình những cái ôm thật chặt. Sau bao tháng ngày xa cách, vòng tay mang hơi ấm của mẹ từ đất liền như truyền thêm động lực, niềm tin để Sơn và đồng đội yên tâm bám đảo, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
“Cố gắng nghe các con, ráng anh em thuận hòa, dìu dắt cho nhau, ráng giữ biển đảo, hoàn thành nhiệm vụ rồi về với ba mẹ nghen. Ráng nhé, mẹ về nha!” – người mẹ dặn kỹ trước khi rời đảo về lại tàu.
Trong giây phút chia tay bịn rịn nơi cầu cảng, Bảo lấy chiếc áo phao mặc vào rồi cẩn thận kiểm tra lại dây cài chắc chắn cho cha trước khi ông xuống xuồng rời đảo về lại tàu. Người cha âu yếm nở nụ cười hạnh phúc và phần nào yên lòng hơn khi thấy con trai đã ra dáng thanh niên trưởng thành, biết yêu thương, lo lắng cho người xung quanh.
Ông dặn con cứ yên tâm làm nhiệm vụ thật tốt và nhớ nghe lời các chú các anh. Đôi mắt đầy cương nghị, anh lính trẻ hứa với cha sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. “Con mong ba và mọi người ở đất liền luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt nhé” – trung sĩ Thái Gia Bảo nhắn với theo chiếc xuồng đang dần rời đảo.
(còn tiếp)
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuoi-doi-muoi-giua-bien-troi-truong-sa-duoc-om-ba-me-ngay-tai-dao-20240622095726611.htm