Thấm thoát HPL cũng đã đi qua 6 mùa giải. Từ chỗ chỉ có giải ngoại hạng, nay giải đó có hệ thống giải hạng Nhất, hạng Nhì, có lên-xuống hạng. Mô hình League theo kiểu HPL đã nở rộ ở nhiều địa phương trên cả nước từ Bắc vào Nam như Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, TP.HCM. Thậm chí ở Phú Quốc cũng đã bắt đầu chơi.
Cơ duyên nào khiến anh và các bạn đứng ra tổ chức một sân chơi cho dân mê bóng đá “phủi” Hà thành?
Thật ra trước giải HPL, dân phủi Hà thành đã có giải Thăng Long. Hồi đấy tôi chơi phong trào với một đội bóng trong ngành du lịch, họ cũng rất có ý thức tổ chức sự kiện này thành giải hàng năm và khá chuyên nghiệp.
Khoảng cuối năm 2012, chúng tôi cũng mạnh dạn gọi các đội vào làm giải bóng tới 12 đội. Thậm chí mời cả đội Ngân hàng ACB, nhờ cả chỗ Văn Quyết mời đội T&T ra đá. Sau giải đấy thì không ngờ hiệu ứng của bóng đá phòng trào lại mạnh mẽ như thế.
Thế là mấy anh em ngồi lại với nhau để cùng bàn, mỗi người một thế mạnh. Nói thật lúc đầu để làm 1 cái giải với concept như vậy rất nhiều người can, bảo không làm được đâu, khó lắm, giải mà căng lên là rất dễ vỡ.
Nhưng mình quyết tâm xây dựng 1 sân chơi chuyên nghiệp bóng đá phong trào tất cả các khâu: Từ tổ chức, tài trợ. Nói chung là cũng máu, cũng quyết tâm để làm.
Tiền nong lúc đó cũng không có mấy. Mấy anh em còn nói với nhau quả này đã xác định làm, mời các đội rồi thì dù phải bán nhà cũng vẫn phải làm (cười).
Đúng là người ta bảo cứ đi thì mới thấy đường. Khi làm ra một giải như thế, hướng tới một tập thể như thế mình làm cũng rất quyết tâm, đưa nó lên thành một sân chơi ở tầm khác. Cũng không ngờ hiệu ứng của nó lại tốt như vậy.
HPL đã sắp bước sang mùa thứ 7. Nhìn lại về kinh phí, phải đi qua bao nhiêu mùa lỗ và bắt đầu có lãi từ mùa nào?
Ít nhất 2 mùa đầu tiên chúng tôi vẫn phải bù lỗ, một năm khoảng vài trăm triệu. Đến mùa thứ 3 mới bắt đầu hoà khi có bia Sài Gòn vào tài trợ cùng những Mạnh Thường Quân giấu mặt.
Tôi nhớ mùa đầu tiên, nhiều ông bầu của các đội ngoài đóng lệ phí, mỗi người chung tay ủng hộ một vài chục triệu đồng mua biển quảng cáo như chú Thành, anh Cường hói, anh Tài SHB và nhiều người nữa…
Khi hết nửa mùa giải, diễn biến rất hấp dẫn, khán giả cũng rất đông, lại có thêm nhiều chú, các anh tới nói rằng “Biết bọn mày làm kiểu này là lỗ” và mỗi người lại móc túi cho ít tiền và bảo cố gắng làm tốt hơn nữa nhé. Đó chính là những sự động viên khích lệ vô cùng lớn với chúng tôi.
Đã khi nào các anh tính đến chuyện phải cắm sổ đỏ vào ngân hàng để có tiền làm tiếp chưa?
Hồi đầu, chúng tôi cũng xác định là như vậy đấy nhưng may là chưa đến mức phải làm. Vay mượn qua lại cũng cầm cự được.
Có khi nào nản, định bỏ luôn giải sau 3 mùa đầu không?
Chưa bao giờ! Lúc này HPL đã có hệ thống từ giải chuyên nghiệp tới hạng Nhất, hạng Nhì với cơ cấu lên-xuống hạng hàng năm. Giải hạng Nhất, hạng Nhì hầu như vẫn chưa có tài trợ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, không có tiền vẫn làm!
Còn về sau này, khi mọi thứ đòi hỏi chuyên nghiệp hơn nữa mình phải có trách nhiệm với giải mình đã tổ chức ra. Nói thật sau mùa đầu mình đã làm ra được thế rồi, kỳ vọng của mọi người rất lớn. Một khi nó thành trách nhiệm với cộng đồng thì bắt buộc dần dần mình phải hoàn thiện và tập trung hơn nữa.
https://www.youtube.com/watch?v=t4qWJJVtVxM
Đâu là khó khăn lớn nhất khi xây dựng giải HPL, ngoài vấn đề tài chính?
Khó khăn nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là ban tổ chức phải thuyết phục được người chơi và khán giả. Với một giải gồm mấy chục đội đá dạng League, nhiều người nghi ngờ, cho rằng đây sẽ là một “Thủy Hử” của bóng đá (cười). Nghĩa là giải bóng toàn “hảo hán, cao thủ” ấy.
Chúng tôi mời các đội dựa trên tiêu chí tổ chức tốt, chuyên môn tốt, thành tích tốt… Nhưng quan trọng nhất là cam kết chơi để cùng nhau xây dựng. Slogan chúng tôi đặt ra là “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”.
Tuy nhiên, khi làm mới thấy có nhiều điều khó. Có những đội bóng ngay từ đầu đã bị phản đối nhiều. Đó là những đội bóng chơi khá rắn, sẵn sàng dùng các “tiểu xảo” đậm chất “phủi”. Nhưng họ cũng là những đội bóng có bản sắc, truyền thống.
Vì thế, khi chúng tôi làm, mọi thành phần đều phải xác định tinh thần chơi có ý thức, chơi để tận hưởng, phải tuân theo luật của Ban tổ chức, cùng nhau xây dựng 1 sân chơi phong trào chuyên nghiệp. Cuối cùng, tất cả đều hiểu và vượt qua được khó khăn ấy. Về sau, chính khó khăn đó lại là trở thành mấu chốt thành công của HPL.
Trung bình khán giả đến với 1 vòng đấu HPL khoảng bao nhiêu người?
Vào khoảng 5.000 – 7.000 người mỗi vòng. Năm đầu tổ chức, khán giả cũng phủi nhiều lắm.
Hồi đầu vui lắm, khán giả xem giải bao giờ cũng muốn đứng cạnh sân, thế nhưng để đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu, chúng tôi chăng lưới và yêu cầu họ đứng ra ngoài lưới.
Thế mà nhiều người lấy kéo cắt lưới chui vào để cổ vũ. Có những trận phải tạm dừng đến nửa tiếng để mời khán giả ra ngoài.
Những trận đầu tiên, làm thế nào để thu hút khán giả đến với giải?
Ngay từ những trận đầu tiên khán giả đã đến rất đông rồi. Thật ra là trước đấy chúng tôi cũng là tay không đi lên nên phải nhờ anh em phóng viên cũng như anh em trong giới bóng đá phủi hỗ trợ về mặt tuyên truyền.
Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất không chỉ là sự mở rộng, phát triển của HPL mà thấy giải dần chuyên nghiệp. Từ những việc đơn giản như làm hình ảnh cho giải, chụp ảnh, ghi hình, làm clip các trận đấu… chúng tôi đã làm rất chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Và giờ nó đã trở nên phổ biến ở các giải phong trào, gắn với sự phát triển công nghệ. Gần như đi đâu cũng thấy làm như vậy trong khi gần chục năm trước, ít ai để ý đến chuyện này.