Giá bơ thấp
Theo thống kê, Di Linh và Bảo Lâm là 2 địa phương có diện tích bơ 034 vào loại lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Đây là cây ăn trái được người dân chủ yếu trồng xen trong các vườn cà phê. Trong đó, huyện Bảo Lâm đang có khoảng 1.800 ha, với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn và Di Linh khoảng 2.000 ha, tổng sản lượng khoảng 15.000 tấn.
Hiện nay, bơ 034 được thương lái thu mua, vận chuyển tới các tỉnh, thành phố trong cả nước tiêu thụ. Trong đó, các thị trường trọng điểm là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hà Nội.
Trong khi đó, ngoài Công ty B’Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn) thu mua một phần nhỏ sản lượng bơ (khoảng 200 tấn) thì trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị nào khác đứng ra thu mua bơ để chế biến, khiến cung vượt cầu quá lớn.
Có mặt tại vườn bơ hơn 1 ha trồng thâm canh của ông Nguyễn Văn Sử (Thôn 1, xã Lộc Ngãi), chúng tôi chứng kiến cảnh bơ rụng đầy vườn. Theo ông Sử, vườn bơ được ông trồng thuần và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên gần như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ bơ năm nay, gia đình ông bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 5 và kéo dài đến hiện tại.
“Mặc dù là bơ hữu cơ, nhưng việc tiêu thụ năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, vườn bơ cho sản lượng khoảng 25 tấn. Thời điểm đầu vụ, bơ loại 1 cũng chỉ bán được 18 – 20 ngàn đồng/kg. Thời điểm này, chỉ bán với giá 8.000 – 10.000 đồng/kg. Còn bơ loại 2 thì chỉ có giá 2.500 – 3.000 đồng/kg. Giá bán không đủ công thuê người hái, nên gia đình tôi chỉ thu bơ loại 1, còn lại đành để rụng khắp vườn” – ông Sử cho biết.
Ông Hồ Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, cho biết: Toàn xã đang có khoảng 300 ha bơ 034, với tổng sản lượng ước đạt từ 500 – 550 tấn. Trong đó, có khoảng 10 ha trồng thuần theo hướng hữu cơ; diện tích còn lại được người dân trồng xen trong vườn cà phê.
“Mặc dù giá bơ 034 rớt chạm đáy rẻ như cho, nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Một phần vì giá quá rẻ, lại ít người mua nên nhiều hộ dân để bơ già rụng khắp vườn nhìn thật xót xa”.
Tương tự, bà Lưu Thị Chính (ngụ tại thôn 5, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), cho hay: “Năm nay giá bơ quá rẻ, nên tôi chỉ bán được khoảng 20% sản lượng thời điểm đầu mùa. Gần nửa tháng nay, hái bơ đi bán không đủ tiền thuê công. Hiện tại, trong vườn đang còn khoảng 3 tấn bơ, giờ già rụng khắp vườn. Thấy bơ rụng tiếc cũng lắm nên tôi tìm nhiều người để cho nhưng vẫn không có ai tới hái”.
Đốn hạ bơ trồng cà phê
Tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Phước Thịnh thu hút 10 hộ nông dân trồng bơ 034 có tiếng ở địa phương nhiều năm nay. Trung bình, mỗi hộ dân tham gia Hợp tác xã có từ 1,5 đến 2 ha bơ 034. Những năm trước, bơ được giá đã giúp các hộ dân ăn nên làm ra.
Có mặt tại vườn bơ 034 trồng thuần theo hướng VietGAP rộng hơn 1,5 ha của ông Dương Mạnh Đô – Giám đốc Hợp tác xã Phước Thịnh, ông Đô cho biết, năm nay là mùa bơ thất thu nhất từ trước đến nay.
“Những năm trước, gia đình tôi đứng ra tìm mối bao tiêu sản lượng bơ 034 cho 10 hộ trong Hợp tác xã. Còn năm nay, giá bơ quá rẻ nên gia đình nào đều tự phải lo. Gia đình tôi có mối quen trên Đà Lạt nên vẫn đóng hàng đi mỗi ngày nhưng giá bán bình quân chỉ 8.000 đồng/kg, các hộ dân khác chỉ bán được khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có đơn vị hay doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bơ cho bà con mà hầu hết người dân chỉ bán trôi nổi cho thương lái, thị trường nhỏ lẻ nên không đảm bảo đầu ra” – ông Đô nói.
Cũng theo ông Đô, trong 10 hộ dân tham gia Hợp tác xã chuyên trồng bơ 034, hiện đã có 4 hộ chặt bỏ cây bơ để chuyển qua trồng cây cà phê, trong đó có hộ chặt bỏ hoàn toàn vườn bơ.
Ông Nguyễn Phước Tân, ngụ tại xã Lộc An, cho biết: Vì giá bơ 034 ngày càng xuống thấp, trồng không có lãi nên gia đình tôi đành chặt bỏ 1,5 ha bơ để chuyển qua trồng cà phê.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cho biết: Có thể nói, Bảo Lâm là địa phương tiên phong trồng giống bơ 034 cơm vàng, dẻo, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân phát triển quá ồ ạt khiến diện tích bơ tăng cao làm cung vượt cầu.
Theo khảo sát, do giá bơ 034 trong những năm qua liên tục giảm sâu; đặc biệt năm nay giá quá rẻ nên rất nhiều hộ dân đã chặt bỏ bơ 034 để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác. Thống kê sơ bộ đã có khoảng 40% diện tích bơ 034 trồng xen bị người dân chặt bỏ để trồng cà phê, sầu riêng.
Còn theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, tình trạng người dân chặt bỏ bơ 034 để chuyển đổi trồng các loại cây trồng khác cũng đang diễn ra. Tuy nhiên, đến hiện tại, địa phương chưa thống kê cụ thể được diện tích bơ 034 bị người dân chặt bỏ.
Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 4 đơn vị thu mua, sơ chế và chế biến bơ quy mô lớn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có 80 cơ sở thu mua bơ, công suất khoảng 13.000 tấn/năm, cung cấp phần lớn thị trường nội địa, phần nhỏ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Sản lượng bơ còn lại được tiêu thụ thông qua thương lái quy mô nhỏ lẻ, nhà vườn tự bán cho khách hàng truyền thống và trên các nền tảng mạng xã hội, thu nhập không ổn định.
Nguồn: https://danviet.vn/tung-la-loai-qua-gay-sot-vi-sieu-dinh-duong-nay-gia-dot-ngot-lao-doc-nhieu-vuon-o-lam-dong-don-bo-20240629231332953.htm