Phức tạp tình trạng hồ sơ nhà đất
Đầu tháng 12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đang đề nghị UBND các quận, huyện, Tp.Thủ Đức, Văn phòng Đăng ký đất đai Tp.HCM và các chi nhánh trực thuộc giải quyết hồ sơ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, trên địa bàn Tp.HCM tồn tại các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong quá trình sử dụng có phát sinh biến động như: hộ gia đình tách hộ riêng để ở; được thừa kế, được tặng cho, chuyển nhượng một phần diện tích đất…
Để giải quyết nhu cầu thực tế này, người sử dụng đất đã có các hành vi tự ý tách thửa, chuyển quyền một phần thửa đất bằng giấy tay (không lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định), tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp…).
Do pháp luật đất đai qua nhiều thời kỳ chưa có quy định kịp thời, đầy đủ nên người nhận chuyển quyền trong những trường hợp này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận).
Vấn đề tồn tại nêu trên kéo dài đến khi có quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cho phép giải quyết đối với những trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho bằng giấy tay trước ngày 1/7/2014.
Tuy nhiên, vì là tự ý tách thửa để chuyển quyền, nên phần lớn diện tích đất được chuyển quyền không phù hợp theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đánh giá: “Hiện chưa có số lượng thống kê cụ thể do chưa tổ chức kê khai, đăng ký. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các trường hợp này tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành, đặc biệt là các quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân,…”
Để có con số tương đối chính xác, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cần có một đợt kê khai, khảo sát trên toàn thành phố với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quận huyện, Tp.Thủ Đức và phường, xã cũng như người dân đang “sở hữu” nhà đất thuộc tình trạng đó.
Người dân phải thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình để phối hợp kê khai minh bạch thì mới có con số cụ thể, chính xác được.
Để cấp giấy chứng nhận cho nhà đất mua bán bằng giấy tay, Tp.HCM cần phải xem xét các vấn đề thời điểm mua bán; việc xử lý vi phạm đất đai, xây dựng (phạt nộp tiền, buộc tháo dỡ hoặc cho phép đăng ký, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…); rà soát quy hoạch, đảm bảo phù hợp quy định về hạn mức tách thửa và cơ sở hạ tầng… để xác định từng trường hợp cụ thể đủ điều kiện.
Đồng thời, do việc mua bán giấy tay không có xác nhận của cơ quan chức năng nên việc kiểm tra tính xác thực của thời điểm mua bán là thiếu căn cứ, dễ bị lợi dụng làm trái quy định. Nếu không thực hiện chặt chẽ dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”, chia tách thửa đất không đảm bảo hạn mức.
“Do đó, giải quyết cấp giấy chứng nhận với những trường hợp này theo các quy định pháp luật cần phải xem xét, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc cấp giấy chứng nhận cho từng trường hợp cũng cần căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện tách thửa, cơ sở hạ tầng để quyết định. Đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện”, ông Thắng khẳng định.
Vấn đề pháp lý cần làm rõ
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX cho rằng, hiện nay, giao dịch nhà đất giữa các cá nhân với nhau bằng giấy viết tay, không thông qua công chứng, chứng thực là tương đối phổ biến.
Lý do 2 bên xác lập giao dịch như vậy bởi vì không nắm rõ quy định pháp luật, do nhà đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do tin tưởng nhau, do không muốn công khai giao dịch, né tránh việc nộp thuế…
Pháp luật quy định chuyển nhượng nhà đất phải lập hợp đồng công chứng, chứng thực. Luật đất đai qua các thời kỳ đều có thống nhất quy định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng của cơ quan công chứng hoặc có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Luật sư Lực chỉ ra, giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay thì giao dịch này không tuân thủ đúng quy định về mặt hình thức, không sang được tên người sử dụng trên giấy tờ chứng minh quyền sử dụng nên không được pháp luật công nhận.
Bên mua không được pháp luật xác định là chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp của nhà đất.
Người mua không được công nhận là chủ sử dụng đất hợp pháp thì họ không được thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp đối với nhà đất. Trường hợp nhà nước thu hồi nhà đất thì việc quy chủ sử dụng đất sẽ vẫn thuộc về người bán.
Hai bên có tranh chấp số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì số tiền này sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của ngân hàng cho đến khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
Tranh chấp giữa bên bán và bên mua sẽ xảy ra nếu không thỏa thuận, hòa giải được thì một trong hai phải khởi kiện ra tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Hiện nay, tình trạng nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận còn tương đối nhiều. Dù biết giao dịch nhà đất không có giấy chứng nhận sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn nhưng nhiều người vẫn thực hiện bởi rủi ro càng lớn, khả năng sinh lời càng cao.
“Đối với trường hợp này để đảm bảo quyền lợi người mua thì nên xây dựng một Hợp đồng mua bán viết tay có điều khoản đặt cọc với nội dung: Khi nhà đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bên bán có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp pháp cho bên mua nếu không sẽ chịu phạt cọc số tiền gấp đôi số tiền đã nhận. Với điều khoản này sẽ đảm bảo giảm thiểu khả năng tranh chấp hoặc có tranh chấp xảy ra quyền lợi của bên mua cũng được đảm bảo theo quy định pháp luật”, luật sư Lực nói.