Tối 31/3, tại Quảng trường trung tâm du lịch Cát Bà ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, diễn ra chương trình nghệ thuật “Cát Bà xanh 2024”. Đây là tâm điểm của Lễ hội truyền thống kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải (31/3/1959 – 31/3/2024) và khai mạc du lịch Cát Bà 2024.
Phát biểu tại chương trình, ông Bùi Tuấn Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, nhấn mạnh, cách đây tròn 65 năm, ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã về thăm cán bộ, quân và dân huyện Cát Hải.
Sự kiện này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Lời căn dặn của Người về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc: “Rừng vàng, biển bạc của ta, do Nhân dân ta làm chủ” đã trở thành chân lý và còn nguyên tính thời sự cho tới ngày nay.
65 năm qua, dù trong lửa đạn khốc liệt của chiến tranh hay trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Cát Hải đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường bảo vệ đảo.
Đồng thời, năng động và sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương để Cát Hải từ một huyện đảo hoang sơ, chỉ có cát biển và sỏi đá, đã trở thành trọng điểm kinh tế biển của Tp.Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải và khai mạc du lịch Cát Bà 2024 gồm 3 chương: “Hải Phòng – Thành phố tôi yêu”, “Cát Hải – In dấu chân Người” và “Cát Bà – Điểm hẹn bốn mùa” với sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ, đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước.
Tham dự chương trình, các đại biểu, người dân địa phương và du khách có dịp thưởng thức “bữa tiệc” âm thanh, ánh sáng tưng bừng, rộn ràng, nhất là màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút. Qua đó, cảm nhận được những giá trị quý báu Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long cùng quyết tâm bảo vệ, phát huy của huyện đảo Cát Hải nói riêng, Tp.Hải Phòng nói chung.
Trong khuôn khổ Lễ hội, từ ngày 2 đến ngày 31/3, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, như: Giải đua thuyền rồng huyện Cát Hải mở rộng; Giải chạy Fastest X Cát Bà Amatina 2024; Lễ thả hơn 1 triệu con giống hải sản xuống vùng biển Cát Bà; Ngày hội khinh khí cầu…
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế đã đến khu du lịch Cát Bà trong dịp Lễ hội truyền thống năm 2024. Do lượng du khách tăng đột biến, tại Bến phà Đồng Bài và Bến phà Cái Viềng đưa khách từ đất liền ra đảo Cát Bà và ngược lại, xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là vào 2 ngày 30 và 31/3/2024.
Trước đó, từ 1/3/2024, Tp.Hải Phòng cho dừng hoạt động Bến phà Gót, chuyển toàn bộ 9 phà và nhân lực sang Bến phà Đồng Bài để hạn chế tình trạng ùn tắc mùa cao điểm du lịch, dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Tuy nhiên, do các phà hiện có nhỏ, cũ, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc.
Dự kiến dịp 30/4 và 1/5 tới, một số phà mới đóng đưa vào khai thác tại tuyến Đồng Bài – Cái Viềng cùng với khuyến khích người dân, du khách sử dụng dịch vụ cáp treo, tàu cao tốc, phương tiện công cộng, tuyến phà qua lại giữa đảo Cát Bà với đất liền mới có thể giảm bớt ùn tắc kéo dài.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách tham dự lễ hội năm nay, chính quyền huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, tăng cường bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, hoàn thành việc triển khai lắp đặt hệ thống truy cập wifi công cộng miễn phí với gần 60 điểm.
Cùng với Đồ Sơn, Cát Bà là khu du lịch biển đảo trọng điểm của Tp.Hải Phòng. Với nhiều cố gắng, nỗ lực của địa phương, ngày 16/9/2023, Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, được UNESCO công nhận “gộp” là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là lần đầu Quần đảo Cát Bà có được vinh dự này. Trong khi đó, với Vịnh Hạ Long, đây đã là lần thứ 3.
Để khai thác hiệu quả hiệu ứng Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long đem lại cũng như bảo vệ tài sản quý báu này, Tp.Hải Phòng đã đề ra chiến lược, lộ trình cụ thể. Trong đó, tăng cường phối hợp tỉnh Quảng Ninh, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách trong nước và quốc tế, giảm ùn tắc tuyến giao thông ra đảo Cát Bà.