“Kết nối với địa đạo Củ Chi, căn cứ Rừng Sác (Cần Giờ), dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh…, bảo tàng và hệ thống di tích lịch sử của biệt động Sài Gòn sẽ là những điểm đến không thể thiếu trong các di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của TP.HCM”, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định Trần Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Sáng 27.8 tại TP.HCM, lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM, Quận ủy – UBND Q.1… và các anh hùng, nhân chứng lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Trước phần lễ trang trọng là phần hội với tour Biệt động Sài Gòn hoành tráng. Đoàn diễu hành với các xe ô tô cổ, xe gắn máy cổ theo lộ trình đi qua các di tích lịch sử có dấu ấn của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định, nhằm giới thiệu và lan tỏa ký ức lịch sử độc đáo của biệt động Sài Gòn – Gia Định đến với mọi người.
Phát biểu khai mạc buổi lễ thêm một bảo tàng tư nhân chính thức trở thành thành viên của hệ thống bảo tàng TP.HCM, ông Trần Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định xúc động: “Ông nội tôi cùng các đồng đội của ông đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng trên mảnh đất này. Đến thời ba tôi cùng gia đình, được sự giúp sức, đồng hành của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang – biệt động, của Hội Di sản văn hóa đã phục dựng các di tích, xây dựng bảo tàng này. Tôi ý thức được trách nhiệm của thế hệ anh em chúng tôi là phải tiếp tục làm cho những trang sử oai hùng ấy luôn được tô thắm”.
Điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của TP.HCM
Để có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là một hành trình dài sưu tầm và phục dựng kỷ vật, chuộc lại và phục dựng những căn nhà, những căn hầm, kỷ vật từng ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của biệt động Sài Gòn – Gia Định. Từ những năm 1980, bằng tấm lòng và quyết tâm nung nấu của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, quá trình tìm kiếm kỷ vật bắt đầu và trải qua nhiều năm dài. Việc tìm kiếm kỷ vật rất khó khăn do tính chất đặc biệt của lực lượng biệt động, đó là một lực lượng từ nhân dân, hòa vào trong dân”.
Được biết, với lòng kiên trì bền bỉ và sự hỗ trợ tích cực của mọi người, ngày 21.6.2023, Sở VH-TT TP.HCM thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bảo tàng chịu sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương nơi hoạt động và thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định sau khi có quyết định thành lập là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của TP.HCM, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, là chuỗi các di tích vệ tinh của nhà truyền thống lực lượng vũ trang thành phố.
Cũng theo ông Trần Trọng Nghĩa: “Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định và các di tích lịch sử của biệt động Sài Gòn cùng với hệ thống các bảo tàng trên địa bàn TP và các tỉnh bạn, đặc biệt là các bảo tàng về chiến tranh cách mạng, sẽ kết nối để thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, triển lãm chuyên đề về giá trị các bộ sưu tập hiện vật và giao lưu, học tập cùng với nhân chứng lịch sử. Ưu tiên phối hợp hệ thống giáo dục trong và ngoài công lập của cả nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử một cách trực quan, sinh động đối với thế hệ trẻ, cùng đông đảo công chúng, giúp thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước của dân tộc, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, vun đắp tình yêu với cội nguồn quê hương, đất nước”.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định hiện có 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động, gồm: Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; Bộ sưu tập vũ khí; Bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn; Bộ sưu tập dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán dinh Độc Lập; Bộ sưu tập thiết bị thông tin liên lạc…
Cùng với nhiều hiện vật quý, là các màn hình tương tác thông minh để khách tham quan tra cứu hình ảnh và dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Không chỉ góp phần lưu giữ ký ức lịch sử, với tấm lòng biết ơn vô hạn đối với lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định, một bức tường tưởng niệm cũng được xây dựng đặt trang trọng trong không gian ấm cúng của bảo tàng để tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ biệt động Sài Gòn – Gia Định đã tận hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.
Thanhnien.vn