PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Dũng – Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN và ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, đồng Trưởng ban tổ chức.
THÚC ĐẨY HƠN NỮA MỐI QUAN HỆ GIỮA BÁO CHÍ VÀ XUẤT BẢN
Thưa ông Trần Trọng Dũng, có lẽ đây là lần đầu tiên một tuần lễ sách dành riêng cho những người làm báo ở VN được diễn ra tại TP.HCM với rất nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu sách phong phú. Từ đâu mà Ban tổ chức nghĩ ra ý tưởng độc đáo này để tạo sân chơi hấp dẫn và tưng bừng cho các nhà báo có sách xuất bản?
Ông Trần Trọng Dũng: Một dịp tình cờ được tham dự triển lãm sách của các doanh nhân viết, do Công ty Đường sách TP.HCM và tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, tôi thực sự ấn tượng. Tự dưng tôi nghĩ ra trong đầu: “Triển lãm sách của nhà báo, tại sao không?”, rồi mang ý tưởng đến gặp anh Lê Hoàng, ai ngờ được ủng hộ ngay. Hội Nhà báo VN quyết định cùng Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên thực hiện Tuần lễ Sách của người làm báo nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng VN (21.6.1925 – 21.6.2023).
Mục đích của chúng tôi là muốn giới thiệu đến công chúng TP.HCM và ngay chính đội ngũ những người làm báo về những tác phẩm hay, hấp dẫn do các đồng nghiệp thực hiện. Thông qua góc nhìn của nhà báo, các tác phẩm được thể hiện bằng… sách lại càng đa dạng, hấp dẫn và gây bất ngờ hơn với người đọc. Tuần lễ Sách cũng nhằm hưởng ứng các đợt thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Nhà báo VN phát động, đẩy mạnh và lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc đến với công chúng, góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa tại TP.HCM. Tuần lễ Sách còn tôn vinh tài năng các nhà báo đã có sách xuất bản, qua đó gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và xuất bản ngày càng bền chặt.
Ông có nhận xét gì về đội ngũ những nhà báo viết sách và lợi thế của nghề trong những tác phẩm của đồng nghiệp?
Ông Trần Trọng Dũng: Có thể tôi không có điều kiện xem đủ hết sách của các nhà báo đã xuất bản nhưng qua những tác phẩm của đội ngũ những người làm báo xuất bản được đọc, tôi thực sự hết sức thú vị. Nhiều cơ quan báo chí như Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Doanh nhân Sài Gòn, Người Lao Động… còn tập hợp các bài dự thi do báo phát động sau khi chấm giải phát thưởng xong, tiến hành in thành sách với quy mô hoành tráng. Ngay như tôi, sống ở Sài Gòn hơn 50 năm, quen thuộc với từng con hẻm nhỏ nhưng cầm trên tay quyển sách Sài Gòn, thành phố tôi yêu của Báo Thanh Niên, đọc mà cứ rưng rưng, nghèn nghẹn bởi bao câu chuyện tình người, tình đời và những điều tử tế… rất ấm áp.
Đến với Tuần lễ Sách của người làm báo, độc giả không chỉ được diện kiến “bằng xương bằng thịt” nhiều cây bút tên tuổi trong làng báo như: Hoàng Hải Vân, Nguyễn Thế Thanh, Lê Minh Quốc, Bùi Anh Tấn, Lại Văn Long… mà còn giao lưu, lắng nghe tâm tư tình cảm của họ với nghề cùng những dự định phía trước.
Rất nhiều nhà báo đang máu lửa cũng là nhà văn, nhà thơ mà nếu chỉ viết báo, sẽ không truyền tải hết cảm xúc. “Trong báo có chất văn, trong văn có chất báo” nên các đồng nghiệp còn viết sách để thể hiện tài năng. Nhờ vậy mà sân chơi chúng tôi tạo ra lần đầu tiên trên cả nước mới xuất hiện đã gây tiếng vang lớn, hy vọng sẽ thành công mỹ mãn.
“TUẦN LỄ SÁCH CHO THẤY SỰ ĐA NĂNG CỦA NHÀ BÁO”
Thưa ông Lê Hoàng, ông kỳ vọng như thế nào về Tuần lễ Sách của người làm báo?
Ông Lê Hoàng: Chương trình diễn ra trong 1 tuần đúng vào dịp Ngày Báo chí cách mạng VN sẽ rất thú vị. Lâu nay khi đọc báo, độc giả tiếp cận nhà báo ấy là cây bút chính luận sắc sảo hay anh chị phóng viên thời sự mẫn cán, toàn tin bài độc đáo nhưng thông qua nhiều tác phẩm sách mới, lại tiếp cận họ với tư cách một nhà văn bằng nhiều thể loại văn học: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay nhà lý luận phê bình. Thậm chí, nhiều nhà báo giỏi còn là thầy trong việc viết sách nghiệp vụ của nghề. Các nhà báo thật đa năng!
Tuần lễ Sách của người làm báo cho thấy sự đa năng của nhà báo, là dịp để đội ngũ những người làm báo có cơ hội thể hiện mình. Khi một quyển sách in ra, dù có thể là tập hợp dưới dạng tuyến bài hay phóng sự – ký sự thì thông qua hình thức thể hiện mới là… sách, sức hấp dẫn lại khác.
Đọc tác phẩm, độc giả có thể nhận ra được khuynh hướng viết của tác giả là gì, suy nghĩ ưu tư, trăn trở của nhà báo cùng những thông điệp cuộc sống được nhắn nhủ một cách hệ thống, đường dài hơn. Từ đó, giá trị nhân văn và tính cộng hưởng mang lại từ sách sẽ hiệu quả, khiến tác phẩm có tầm vóc hơn so với việc từng bài báo đặt riêng lẻ.
Là một nhà báo từng làm Tổng biên tập, giờ là Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, ông có chia sẻ gì với những nhà báo đang viết sách?
Ông Lê Hoàng: Tuần lễ Sách của người làm báo là dịp để các bạn phóng viên trẻ hay những nhà báo chuyên nghiệp tại các cơ quan báo chí chưa có tác phẩm tham gia lần này sẽ tìm thấy cơ hội được tiếp cận với giới xuất bản, tạo động lực tìm hiểu về những cách thức tập hợp các tác phẩm báo chí để in thành sách, hoặc giới thiệu tác phẩm mới còn trong dạng bản thảo như: thơ, truyện ngắn, bút ký, ký, trường ca… để đưa đến người đọc. Hội Xuất bản VN phía Nam dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra thêm ở các tổ chức hội nghề nghiệp khác ở TP.HCM: Hội Nhiếp ảnh, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn… để cùng với Tuần lễ Sách của người làm báo, độc giả thêm điều kiện tiếp xúc với nhiều cuốn sách hay, các tác phẩm chuyên sâu về nghề của những người nổi tiếng ở đủ các lĩnh vực, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
TRẠI VIẾT VĂN CHO CÁC NHÀ BÁO
Ông Trần Trọng Dũng cho biết: “Sắp tới, Hội Nhà báo VN dự định phối hợp cùng Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TP.HCM mở thêm trại viết văn để các nhà báo được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các nhà văn nổi tiếng. Đến năm 2025, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng VN có thêm nhiều sách hay được xuất bản từ các trại sáng tác thì lại càng hấp dẫn”.