Người nông dân Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) họ không còn nhớ đã có bao nhiêu đoàn cán bộ huyện, dự án về phổ biến trồng các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp trên đất nương rãy suốt từ năm 1990 đến nay. Họ khấp khởi vui mừng nhận giống cây về trồng để rồi lại nhận lấy lo âu. Các chương trình 327 phủ xanh đồi núi trọc, Chương trình, Dự án 661 gieo bay, bay gieo trồng mới 5 triệu hécta rừng rồi các mô hình trồng quế, trồng trẩu, trồng cam… chưa mang lại cho người dân một diện mạo nông thôn mới.
Các chương trình, dự án đến và đi không biết bao nhiêu lần, người dân Tuần Giáo nhất thời không nhớ hết, nhưng mỗi lần thất bại là một lần niềm tin thoát nghèo trên mảnh đất của cha ông ngày càng thưa hy vọng. “Có những bản Thái ở Tuần Giáo bây giờ rất ít người trẻ ở nhà mà chỉ có người già và trẻ con. Họ về xuôi làm thuê cho các nhà máy. Con ông cũng đi, giờ nó chưa về, chắc phải đến tết.” – Cụ ông Lò Văn Chanh, xã Quài Nưa giọng buồn hiu chia sẻ.
Chúng tôi đem cảm nhận và nỗi buồn những người già bản Thái chia sẻ với ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo. Giọng ông điềm đạm, nói như cắt nghĩa: Đúng là các chương trình, dự án cấp giống cây, con trước đây chưa mang lại sự phồn thịnh, sung túc cho Nhân dân Tuần Giáo. Những năm gần đây, Tuần Giáo được sự quan tâm nhiều của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên về phần bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng, giao thông được cả xã hội quan tâm. Đảng bộ và Nhân dân chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải đón lấy thời cơ với phương trâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tất cả vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chính vì vậy, từ sau Đại hội lần thứ 13, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các địa phương đã bắt tay vào cuộc mạnh mẽ. Ban hành các Chương trình hành động, xây dựng các nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện. Triển khai xuống từng chi bộ, từng bản, thôn xóm, huy động sức mạnh tập thể, sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt chú trọng vai trò người đứng đầu, coi trọng sự đóng góp của Nhân dân. Trong đó, mục tiêu giảm nghèo được huyện xác định là tái cơ cấu nghành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng là vấn đề cấp bách, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay.
– Vậy giống cây trồng nào được Tuần Giáo đưa vào làm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Thưa ông? – Tôi hỏi. Bí thư Huyện ủy Lò Văn Cương thẳng thắn: Cây mắc ca đã được trồng thử nghiệm thành công tại Tuần Giáo từ năm 2013, đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch, giá bán ngoài thị trường mỗi 1kg mắc ca tươi dao động từ 30.000đ – 50.000đ. Chúng tôi đang tập trung mở rộng diện tích cây này khoảng 11.700ha. Trong đó, vùng lõi của doanh nghiệp khoảng 2.424ha, 9.276ha là vùng liên kết của dân.
– Chúng ta có mạo hiểm quá không? – Tôi băn khoăn hỏi tiếp. Vẫn giọng nói chắc nịch, đều đều, ông Cương đáp: Nếu không dám làm thì cũng không biết khi nào đến đích, cái đích của sự thoát nghèo bằng chính quỹ đất của ông cha. Chúng tôi xác định phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, lấy mục tiêu thoát nghèo cho dân là nhiệm vụ hàng đầu. Hiện nay, huyện đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH True Milk ngày 29/6/2023. Tuần Giáo có trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về quỹ đất để TH True Milk phát triển vùng lõi nguyên liệu trên diện tích ít nhất là khoảng 2.000ha để trồng mắc ca và vận động người dân trồng khoảng 9.000ha mắc ca để liên kết với TH True Milk. Phía TH True Milk có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ quả mắc ca tại Tuần Giáo theo đơn giá thị trường Úc, trong thời gian 50 năm.
Đến thời điểm này, huyện Tuần Giáo đã trồng mới được 1.000ha cây mắc ca theo mô hình liên kết. Và chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây dài ngày có giá trị kinh tế cao của 2.800 hộ tham gia. Và ý nghĩa hơn cả là người dân ở đây đã khơi dậy được khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Năm 2024, huyện phấn đấu trồng tiếp 2.000ha cây mắc ca. Năm 2025 trồng mới 2.000ha, nâng tổng số diện tích mắc ca của người dân lên 5.000ha. Diện tích này mới đáp ứng được 50% nhu cầu, cam kết tiêu bao của Tập đoàn TH True Milk, theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 1084/QĐ-UBND, ngày 10/7/2023 của UBND tỉnh Điện Biên. – Ông Cương nói.
Qua rất nhiều bài học từ các mô hình kinh tế nông – lâm trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tuần Giáo nói riêng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: câu chuyện làm giàu trên đất nông nghiệp – lâm nghiệp không phải là của một sớm một chiều, không dành cho những ai chỉ biết kêu khó thay vì gỡ khó. Song, cũng đầy gian nan vất vả, để có được thành quả phải là sự nỗ lực của chính người dân, sự định hướng đúng và trúng, sự bắt tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân tố không thể thiếu đó là sự hợp sức của nhà đầu tư. Hiện nay, cây mắc ca ở Tuần Giáo mới đang cho thu hoạch khoảng 60ha và cũng là cây trồng mang lợi thế, hiệu quả kinh tế nhất của địa phương tại thời điểm này. Mắc ca đã cho đồng bào một khát vọng để vươn lên làm giàu trên đất của cha ông, cây “triệu đô” đã thực sự bén duyên với mảnh đất này.
Chiều, chúng tôi xuống địa bàn, thăm một trong những cơ sở thu mua mắc ca tại Tuần Giáo hiện nay, chị Doãn Thị Thoa, chủ cơ sở thu mua, chế biến sản xuất tại khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo, được biết. Hiện nay cơ sở sản xuất kinh doanh của chị mỗi vụ thu mua khoảng gần 60 tấn quả mắc ca tươi của các hộ dân địa bàn huyện. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là mắc ca tách kẽ, sữa hạt mắc ca, hạt nhân sấy vàng giòn và muối vừng mắc ca, rượu mắc ca… Sản phẩm được ưa chuộng bán chạy nhất tại cơ sở chị Thoa là hạt nhân sấy giòn.
Được biết người nông dân có diện tích mắc ca đang cho thu hoạch tương đối lớn ở huyện, gia đình ông Quàng Văn Mi, bản Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo mỗi năm ông bán cho cơ sở này 7 – 8 tấn quả tươi, giá bán đầu vụ 30.000đ/kg, cuối vụ khoảng 40.000 – 50.000đ/kg. Ở Tuần Giáo, những hộ phất lên từ quả mắc ca như hộ ông Mi, ông Minh ở Quài Tở, ông Chanh ở Quài Nưa… đều không hiếm.
Và cũng từ những câu chuyện ấy và sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đảm bảo của Tập đoàn TH True Milk mà hiện nay Nhân dân của huyện Tuần Giáo nhà nào cũng đăng ký để phát triển trồng mắc ca. Dưới những đồi trồng mắc ca, người dân Tuần Giáo đã tận dụng trồng thêm 3 hàng dứa xen kẽ để lấy ngắn nuôi dài. Có hộ phát triển cây cà phê, cây ăn quả…
Tại thời điểm này, tất cả bộ máy chính trị và Nhân dân huyện Tuần Giáo đang ra sức hoàn thành chỉ tiêu trồng và chăm sóc diện tích mắc ca theo kế hoạch Đảng bộ huyện đã đề ra, đều đang vận hành theo một khối thống nhất. Trên con đường giảm nghèo ấy, có thể Tuần Giáo sẽ gặp những khó khăn, trở ngại. Song, với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của tập thể với bản lĩnh của người đứng đầu bộ máy, chắc chắn không bao lâu Tuần Giáo sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, đưa Tuần Giáo chuyển mình trên con đường phát triển bền vững mà ở đó, dẫu kết quả chưa trọn vẹn, nhưng ý Đảng lòng dân đã hòa quyện là cơ sở để con tàu chuyển bánh nhanh hơn, về đích sớm hơn trong những chặng tiếp theo. Chặng đường giảm nghèo, thoát nghèo sẽ dần rút ngắn khoảng cách, thời gian.