Năm 2014, lần đầu tiên Viettel tuyên bố ước mơ “mỗi người dân Việt đều có smartphone”. 10 năm sau, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, ước mơ này đang từng bước trở thành hiện thực.
Cách đây tròn một thập kỉ, những điện thoại thông minh (smartphone) rẻ nhất bán tại Việt Nam nằm trong tầm giá 2 triệu đồng, gần gấp đôi mức lương cơ sở mỗi tháng của người Việt (1.150.000vnđ/tháng). Ngoài chi phí cần bỏ ra để sở hữu thiết bị, để smartphone thật sự “thông minh”, không chỉ nghe-gọi, thiết bị cần được kết nối Internet.
Với hạ tầng viễn thông thời điểm đó, không phải ở đâu cũng có Internet tốc độ cao. Người ở vùng sâu vùng xa, kể cả có tiền cũng khó có cơ hội “lên mạng”, trải nghiệm cuộc sống số. Theo thống kê của We Are Social và Hootsuite, với gần 80% người Việt Nam lúc bấy giờ, smartphone vẫn là một thiết bị xa xỉ, ngoài tầm với.
Khát khao mang “cơ hội số” đến tất cả mọi người
Năm 2014, Viettel đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: mang smartphone đến với từng người dân Việt Nam. Nếu mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một chiếc smartphone để truy cập Internet với giá rẻ thì đó là một cuộc cách mạng.
Nói đây là một cuộc cách mạng, bởi với sự hiện diện của Internet, smartphone trở thành chìa khoá để người dùng truy cập vào thế giới số với nhiều tiện ích. Từ các ứng dụng giải trí, các giải pháp giáo dục, y tế… đến nguồn tri thức khổng lồ của toàn nhân loại. Tất cả mọi người sẽ nhận được cơ hội số bình đẳng như nhau, dù ở thành thị, nông thôn, miền núi xa xôi hay ngoài hải đảo.
Nhưng bài toán phổ cập không hề đơn giản. Điện thoại thông minh và các gói cước đi kèm phải đủ rẻ để tất cả mọi người có khả năng chi trả. Hạ tầng Internet di động phải vươn đến từng ngõ, từng nhà, phủ từng người. Người dân phải thực sự thấy vấn đề của bản thân được giải quyết nhờ thiết bị này, từ đó kích thích nhu cầu sở hữu.
Từ bài toán lớn, hàng loạt các đầu việc nhỏ được đưa ra và suốt 10 năm qua, người Viettel đã liên tục hành động để đưa smartphone đến với toàn dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Hành trình 10 năm hành động không ngơi nghỉ
3 năm sau khi tuyên bố, Viettel chính thức khai trương mạng viễn thông 4G. Chỉ sau hơn 6 tháng triển khai rầm rộ, mạng 4G của Viettel đã có mặt rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99% huyện của Việt Nam. Với vùng phủ toàn quốc lên tới 95% dân số, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi khai trương.
Ở thời điểm đó, 4G Viettel đã tạo nên một cơn sốt, giải quyết câu chuyện tốc độ mạng “như rùa bò” khi truy cập internet bằng 3G. Về chi phí, chỉ với 40.000 đồng, người dùng đã có thể sử dụng mạng 4G của Viettel suốt 1 tháng. Chi thêm vài chục nghìn, số lượng gói cước để lựa chọn tăng lên đáng kể.
Để đảm bảo chất lượng vùng phủ, năm 2020, Viettel công bố bản đồ chất lượng vùng phủ qua Open Networks. “Quyết định này xuất phát từ định hướng chuyển đổi số lấy khách khách làm trung tâm. Thay vì ẩn giấu thông tin, chúng tôi lại muốn khách hàng nhìn thấy thực tế mạng lưới 4G ở khắp nơi trên cả nước, từ đó chủ động hơn trong các hoạt động, lộ trình của mình.” ông Đào Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (nay là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel) chia sẻ.
Về thiết bị, từ năm 2017, ngay khi Internet phủ sóng rộng rãi, Viettel đã đồng thời phân phối các dòng smartphone với mức giá phù hợp với túi tiền người Việt, phát triển bởi những nhà sản xuất uy tín trên thế giới. Doanh nghiệp cũng sáng tạo nhiều chương trình hỗ trợ tài chính như trả góp, khuyến mãi khi nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên smartphone, trợ giá thiết bị, độc quyền với các ưu đãi giúp người dân dễ dàng tiếp cận công nghệ mới.
Năm 2020, Viettel kết hợp với một nhà sản xuất Việt đưa ra thị trường dòng smartphone với mức giá 600.000 VNĐ, ngang bằng với các điện thoại “cục gạch” chỉ có tính năng nghe-gọi. Mức chi phí này đáp ứng năng lực chi trả của những người thu nhập thấp, tiếp cận tới khách hàng ở khắp mọi miền.
Để thúc đẩy nhu cầu sử dụng smartphone trong các hoạt động hàng ngày, như: giải trí, thanh toán điện tử, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, và các dịch vụ công trực tuyến… các ứng dụng số “made by Viettel”, “make in Vietnam” cũng liên tục được ra mắt. Viettel Money (tiền thân là Viettel Pay) ra mắt năm 2018 là ứng dụng phục vụ người dân trên cả nước thực hiện các giao dịch, thanh toán cơ bản, tương thích với mọi dòng điện thoại mà không cần tới tài khoản ngân hàng.
Không dừng lại ở những giải pháp số đơn lẻ, năm 2019, tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Viettel chính thức tuyên bố sứ mệnh cho giai đoạn phát triển thứ 4 là “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Tập trung nguồn lực cho việc phát triển các nền tảng và sản phẩm công nghệ, Viettel là đối tác hàng đầu cung cấp các giải pháp số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công…, qua đó kết nối trực tiếp với những người dùng cuối bằng các ứng dụng số.
Những cuộc đời đổi thay
Thực tế đã chứng minh, sự có mặt của những chiếc smartphone đã thay đổi nhiều cuộc đời. Từng biết đến với danh xưng “chàng trai chăn bò”, nổi tiếng với clip nghêu ngao hát đếm số với bài hát tiếng anh được quay bằng chiếc smartphone khi đi chăn bò, Sô Y Tiết nay đã mua đất, xây nhà…
Ngoài những giá trị vật chất mà chàng trai này nhận được, do có nhiều fan hâm mộ người nước ngoài nên Y Tiết đã sử dụng tiếng Anh cho các bài đăng, trả lời bình luận trên TikTok và Instagram của mình. Vì nghỉ học sớm, anh chỉ biết nói một số từ tiếng Anh cơ bản, nhưng nhờ Google dịch, Sô Y Tiết đã có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ này. Một cách nào đó, rõ ràng là tri thức và những kỹ năng mới đã đến với anh.
Không đổi đời như Sô Y Tiết, Thạch Ren, một nông dân tại Trà Vinh, người đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt và mức độ mặn gia tăng, đã sử dụng ứng dụng điện thoại để thường xuyên kiểm tra mực nước trên ruộng lúa.
Ông Ren là một trong những người nông dân đầu tiên tham gia dự án thí điểm kỹ thuật “làm ướt và làm khô xen kẽ” với mục tiêu sử dụng ít nước hơn trong quá trình canh tác lúa. Với smartphone, thay vì phải trực tiếp đến khu vực canh tác để kiểm tra, ông Ren có thể theo dõi mực nước mọi lúc, mọi nơi. Hiện ông chỉ cần bơm nước từ ba đến bốn lần mỗi mùa, tiết kiệm hơn so với phương pháp truyền thống là ông phải bơm nước mỗi khi bề mặt đất hơi khô – thường là khoảng 10 lần mỗi mùa.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại tỷ lệ người dùng smartphone ở Việt Nam đã vượt qua 84% dân số. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới (theo Statista), một con số ấn tượng mà Viettel đã góp phần không nhỏ vào việc đạt được.
Hành trình hiện thực hóa lời hứa phổ cập smartphone của Viettel là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của tập đoàn trong việc mang công nghệ đến với mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Nguồn: https://tienphong.vn/tu-xa-xi-den-pho-thong-cuoc-cach-mang-pho-cap-smartphone-cho-moi-tang-lop-nguoi-viet-post1679894.tpo