Hủy hôn vì thách cưới 4 cây vàng là câu chuyện trong bài viết “Giá vàng nhảy múa, thương nhau bớt thách cưới được không?” mà Tuổi Trẻ Online đã đăng tải.
Đã phải xài chiêu ‘gạo nấu thành cơm’
Anh Hoàng, ngụ Bình Chánh (TP.HCM), ta thán rằng với một người lương tháng 12 triệu và phải xoay xở với khoản tiền thách cưới lên tới 4 cây vàng và 50 triệu đồng thì thật khó. Nếu xuất thân gia cảnh không khá giả, khó càng thêm khó. Từ đó, anh bày tỏ nỗi niềm, thấu hiểu cho quyết định của Dũng trong bài viết.
Chính anh Hoàng cũng từng là “nạn nhân” của tục thách cưới. “Không tin cứ hỏi vợ anh. Anh chị đã làm thế thật”, anh Hoàng cười.
Anh tâm tư rằng nếu đã thương yêu nhau thật lòng, sao đôi bạn trẻ không cương quyết hơn. Bởi hơn tất cả, họ chính là chủ nhân quyết định mọi hạnh phúc cho tổ ấm đó sau này.
Chẳng cha mẹ nào nỡ lòng nhìn con mình đau đớn từ bỏ người yêu thương nhất cả. Điều họ muốn là nhìn con cái hạnh phúc, vui khỏe. “4 cây vàng và 50 triệu đồng” đó có chăng cũng chỉ là hành động nhất thời bị ảnh hưởng bởi phong tục, văn hóa, suy nghĩ hạn hẹp!
“Tôi hiểu cảm giác của Dũng, bởi tôi từng là người trong cuộc. Buồn lắm chứ! Nhưng nếu đã thương yêu nhau, quyết tâm muốn đến với nhau, thiếu gì cách. Vợ chồng tôi lúc đó tính bỏ ra Bắc ở biệt xứ, sinh con đẻ cái rồi báo sau. Hãy gạo nấu thành cơm nếu không thương thảo được với gia đình. Dĩ nhiên đây là kế cuối”, anh Hoàng nói.
Chứng thực cho câu chuyện, chị vợ anh Hoàng gật đầu thừa nhận. Chị kể năm 2016, bố mẹ chị cũng nằng nặc đòi thách cưới 1 cây vàng và 15 triệu đồng. Anh yêu chị đã 5 năm, chị thương anh vì rất chịu khó, cả hai chỉ mới bắt đầu sự nghiệp lấy đâu ra tiền. Thế là họ dắt tay nhau đi nơi khác sống.
Họ biết làm thế thì bố mẹ hai bên sẽ khổ tâm lắm. Nhưng biết sao được bởi còn nỗi đau nào hơn khi đôi lứa chia lìa, nhất là khi đang rất thương yêu nhau!
Mãi khi sinh con, cả hai mới báo gia đình, khi đó hai bên mới nhìn mặt nhau. Lễ thôi nôi của con cũng là lễ cưới tưng bừng của anh chị.
Chỉ làm khổ nhau
Kinh tế nước ta dù đang phát triển qua từng năm, tuy nhiên không phải thời điểm, giai đoạn nào cũng khá khẩm. Phải chăng cũng đã đến lúc ta nên tính toán lại về các lễ nghi, tục lệ “vô thưởng vô phạt”?
Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yên bày tỏ, không chỉ tiền thách cưới mà còn tục lễ, tiệc cưới lãng phí, đưa rước rườm rà. Lâu nay kêu gọi cưới hỏi tiết kiệm, không linh đình, nhưng có đám nào tiết kiệm đâu, toàn vài trăm khách.
“Thiết nghĩ Nhà nước cũng nên ban hành, hướng dẫn trình tự đơn giản cho dân. Như lễ đăng ký kết hôn ở UBND có đầy đủ thủ tục, nghi thức ý nghĩa. Còn thách cưới quá lạc hậu rồi”, bạn đọc Kim Yên bày tỏ.
Bạn đọc có tên Dili cho rằng các cặp đôi bây giờ tự lập là chính. Vậy nên tục lệ thách cưới cũng nên giảm bớt cho nhẹ nhàng. Tất nhiên, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, có nhiều lễ vật cũng vui mà ít lễ vật cũng hoan hỉ, tựu trung là vì hạnh phúc của con trẻ.
“Đám cưới mà xong phải gồng mình trả nợ thì cũng khó tìm hạnh phúc”, bạn đọc Dili.
Tài khoản Hữu Thọ bày tỏ niềm hy vọng “mấy ông sui gia 7X, 8X bỏ bớt mấy hủ tục rườm rà của cưới hỏi cho con cháu sau này khỏe bớt”.
Ta thán cho thách cưới đã nhiều, đã lâu nhưng lâu lâu đọc báo thấy một đôi trẻ phải xa nhau chính bởi tục lệ này buồn lắm!