Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam, vấn đề tâm lý học đường đang đặt ra nhiều thách thức với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Hoạt động tâm lý học đường hiện phát triển chủ yếu ở các mô hình ngoài công lập và hệ thống giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Tại các mô hình trường công lập, tư vấn tâm lý học đường còn nhiều khó khăn, hạn chế, vận hành chưa hiệu quả, chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của học sinh cũng như gia đình. Sự ra đời của Mạng lưới Tâm lý học đường Việt Nam giúp phục vụ kịp thời và tốt hơn nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh, sinh viên và cộng đồng.
Các thành viên Ban Điều hành Mạng lưới Tâm lý học đường Việt Nam cho biết những hoạt động tâm lý học đường không chỉ hướng đến học sinh mà còn tiếp cận phụ huynh, giáo viên, nhà trường…, qua đó dần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tâm lý học đường. Bên cạnh các hoạt động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, Mạng lưới Tâm lý học đường Việt Nam còn nỗ lực đẩy mạnh đào tạo, chia sẻ kiến thức chuyên môn, nghiên cứu khoa học, kết nối chuyên gia tâm lý ở các miền đất nước để mạng lưới có thể hoạt động hiệu quả, lan tỏa ý nghĩa tới cộng đồng.
Cũng tại buổi ra mắt, lễ ký kết hợp tác giữa Anbooks và Mạng lưới Tâm lý học đường Việt Nam đã diễn ra. Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp trong xây dựng và phát triển các hoạt động chung; đóng góp theo thế mạnh của mình cho sự phát triển cộng đồng chuyên gia tâm lý học đường Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-trong-truong-cong-lap-con-nhieu-kho-khan-196240922202630727.htm