Báo Thanh Niên chiều 31.10 tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Tư vấn mùa thi và triển khai hoạt động truyền thông tuyển sinh năm 2024 tại TP.HCM. Không những quy tụ đông đảo cơ sở giáo dục và doanh nghiệp từ các tỉnh thành, chương trình còn thu hút nhiều đơn vị tư vấn hướng nghiệp, du học lẫn đào tạo ngoại ngữ, trong bối cảnh các thị trường du học trên thế giới đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Sẵn lòng hỗ trợ
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Đoàn Thị Oanh, Phó giám đốc Công ty tư vấn du học Đức Anh, bày tỏ niềm trân trọng trước những kết quả ý nghĩa mà Tư vấn mùa thi đã mang đến cho hàng triệu học sinh suốt 25 năm qua. Song, để trang bị, định hướng đầy đủ và toàn diện “bức tranh” tuyển sinh trong xu thế hiện nay, bà Oanh đề xuất chương trình mở rộng “biên giới” với sự tham gia của cả cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài.
“Rất khác so với năm đầu tổ chức Tư vấn mùa thi, việc tìm cơ hội học tập, làm việc ở nước ngoài hiện vô cùng phổ biến. Vì thế, chương trình có thể lồng ghép thông tin du học để đáp ứng nhu cầu này. Và với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động, chúng tôi sẵn lòng cùng Báo Thanh Niên chia sẻ những thông tin chính xác, cập nhật nhất, qua đó mang lại cơ hội, sự chuẩn bị tốt nhất cho các thế hệ học sinh”, bà Oanh khẳng định.
Nữ phó giám đốc đồng thời lưu ý các vấn đề mà phụ huynh, học sinh thường quan tâm khi chọn du học là hình thức đào tạo và quốc gia phù hợp, xu hướng ngành nghề “hot” ở các nước phát triển, điều kiện để giành học bổng giá trị cao, thậm chí là toàn phần. “Từ những chủ đề này, chương trình có thể tổ chức tọa đàm, đặt bàn tư vấn du học, phát hành cẩm nang chuyên sâu để gửi tặng học sinh…”, bà Oanh “hiến kế”.
Tinh thần đồng hành cũng được ông Thomas Nguyễn, Giám đốc điều hành Franco-Viet Edu, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi. “Nếu Báo Thanh Niên cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, chẳng hạn như đứng ra làm ‘cầu nối’ giữa chương trình Tư vấn mùa thi với tất cả trường ĐH tại Pháp. Mục tiêu của chúng tôi cũng giống như nhiều nhà giáo dục khác, chính là giúp các thế hệ trẻ Việt tự hào vươn tầm thế giới”, ông Thomas nói.
Cũng theo nam giám đốc, nguyên nhân khiến nhiều học sinh chọn du học là vì muốn tìm hiểu chuyên sâu ngành nghề ở một quốc gia phát triển, khám phá nền văn hóa và môi trường mới, từ đó xây dựng cho mình những kinh nghiệm, tư duy tân tiến, đồng thời có được động lực học tập lẫn “ý chí sinh tồn” mạnh mẽ hơn khi phải một thân một mình ở xứ người.
“Và để tổ chức thành công một chương trình thông tin du học, cần phải trả lời được ba câu hỏi quan trọng là tài chính, ngành nghề và khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này không chỉ cần các chuyên gia du học mà bắt buộc phải có sự hiện diện từ đại diện các trường nước ngoài để ‘gỡ rối’ những khúc mắc, lo âu của học sinh”, ông Thomas đánh giá.
Đừng xem các trường như “tệp đính kèm”
Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, chuyên ngành quản lý giáo dục tại ĐH Hertfordshire (Anh), hiện là Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, cho biết trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp của nhiều đơn vị khác tại Việt Nam, các trường nước ngoài thường xuất hiện với tâm thế như một “tệp đính kèm” vì 90% thời lượng tổ chức đều dành để quảng bá cho chương trình Việt Nam.
“Đây là cách làm không tối ưu và cũng là bài học để tham khảo. Nếu muốn thực sự thu hút trường nước ngoài, chúng ta cần ‘mở hết nấc’ bằng cách tạo ra chương trình song hành, hoặc tăng thời lượng chương trình, hoặc phân bổ thời lượng tổ chức hợp lý, có thể theo tỷ lệ 7:3. Phải nhìn nhận khách quan rằng các trường nước ngoài cũng có nhu cầu tuyển sinh và sẵn sàng đóng góp nhân lực, tài chính”, ông Quang nêu quan điểm.
Cũng theo tiến sĩ Quang, sự uy tín của đơn vị tổ chức và mức độ tiếp cận đối tượng mục tiêu là 2 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của trường nước ngoài, và Báo Thanh Niên hoàn toàn đủ sức đáp ứng nhu cầu này. “Vấn đề duy nhất là liệu các trường có cơ hội đồng hành và được hỗ trợ tới nơi tới chốn hay không. Điều này cần những bước đi rõ ràng hơn từ chương trình thay vì thụ động chờ trường tiếp cận”, ông Quang đề xuất.
Bên cạnh hiểu biết về du học, sự chuẩn bị kỹ về năng lực ngoại ngữ cũng là nhân tố quyết định “thành bại” trong hành trình ở nước ngoài. “Vì thế, Tư vấn mùa thi cũng nên có sự đồng hành của các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, thông qua những hoạt động như chia sẻ tầm quan trọng của ngoại ngữ, hay cách chọn trung tâm phù hợp”, bà Nguyễn Trình Hạnh Phúc, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ IELTS Vietop, chia sẻ.
“Đây là động thái nhằm đơn giản hóa quá trình xét tuyển vào các trường đồng thời nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Anh, giúp tăng tính cạnh tranh cho nguồn nhân lực trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Và chúng tôi rất mong có thể đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong các chương trình tuyển sinh để lan tỏa thông điệp này, cũng như trao các suất học bổng cho các bạn học sinh giỏi hiếu học”, bà Phúc bày tỏ.