Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hồ Chí Minh – Vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đây là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà còn là người bạn chiến đấu của nhiều nhà cách mạng quốc tế. Cuộc đời và tư tưởng của Người là một di sản quý báu, không ngừng đấu tranh cho hòa bình và hữu nghị toàn cầu. Ông khẳng định rằng di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu sâu rộng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi hòa bình và phát triển vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Hội thảo khoa học quốc tế “Hồ Chí Minh – Vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển”. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn) |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, Trưởng Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học KHXH&NV), nhấn mạnh tính đặc biệt của hội thảo khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Quảng Châu (11/11/1924 – 11/11/2024). Tại Quảng Châu, Người không chỉ mở rộng tầm nhìn quốc tế mà còn tạo dựng nền tảng tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và truyền cảm hứng cho phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Với hơn 90 bài tham luận từ các học giả trong và ngoài nước, hội thảo lần này đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về nhiều khía cạnh trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: hòa bình và phát triển bền vững, đoàn kết quốc tế và chiến lược ngoại giao hòa bình. Các bài tham luận tiêu biểu còn nghiên cứu về những đóng góp tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho vấn đề hòa giải xung đột quốc tế, triết lý hòa bình của Người trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, nhận định: “Trong thời gian tiến hành hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, thành quả hoạt động trên các phương diện như lý luận, báo chí, văn học, đã làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xác lập vị thế lịch sử “danh nhân văn hóa” của Người”. Ông nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản, đồng thời là một danh nhân văn hóa. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc trong nghị quyết Hội nghị họp năm 1987 đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất”.
Giáo sư Hoàng Tranh (ngồi giữa), nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn) |
Giáo sư Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định rằng tư tưởng về hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính sâu sắc, với nền tảng là sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ chiến đấu vì nền hoà bình đích thực và chân chính. Những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển là một tư tưởng lớn có giá trị trong suốt gần một thế kỷ qua và sẽ mãi mãi có giá trị với dân tộc Việt Nam và với nhân loại.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng đánh giá cao giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh dân tộc và sự kết hợp sức mạnh thời đại. Ông cho rằng trong bối cảnh toàn cầu biến động, tư tưởng về sự kết hợp này càng có ý nghĩa thời sự sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc vì hòa bình và tiến bộ.
Tiến sĩ Vi Lệ Xuân từ Viện Nghiên cứu Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, đánh giá cao tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nhận định đây là nguồn cảm hứng cho quan hệ đối ngoại Việt – Trung hiện nay.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đánh giá hội thảo không chỉ là một diễn đàn trao đổi học thuật quốc tế mà còn là bước đệm quan trọng cho các cơ hội hợp tác lâu dài giữa Trường Đại học KHXH&NV và Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, tiếp tục thắt chặt tình hữu nghị Việt – Trung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tu-tuong-doan-ket-quoc-te-cua-chu-tich-ho-chi-minh-nguon-cam-hung-cho-quan-he-doi-ngoai-viet-trung-hien-nay-206551.html