Tờ báo hai lần chiến sĩ…
Bước chân vào phòng truyền thống và phòng tư liệu của báo Quân đội Nhân dân với nhiều ấn tượng về các tư liệu, hiện vật và hình ảnh về hành trình ra đời và phát triển của tờ báo. Nổi bật là một bức tranh treo trang trọng chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.
Lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam không chỉ đối với người làm Báo Quân đội mà cả với toàn thể những người làm báo cách mạng. Đó là những lời khắc cốt, ghi tâm và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Và bức tranh ấy cũng khéo léo đưa chúng ta về với “cội nguồn” của tờ báo Quân đội nhân dân, nhớ về câu chuyện mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh kể: “Mình đã xin ý kiến Bác Hồ. Bác bảo quân đội ta là quân đội nhân dân. Tờ báo của quân đội thì lấy tên là Quân đội nhân dân. Giản dị thế thôi!” (Cuốn 40 năm một chặng đường do Báo Quân đội nhân dân xuất bản năm 1990 ghi).
Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, trên trang nhất của số báo đầu tiên này đã đăng trang trọng chỉ thị ý nghĩa ấy.
Tự hào về truyền thống, Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân Lê Ngọc Long chia sẻ rằng, tờ báo Quân đội nhân dân có vinh dự là tờ báo hai lần chiến sĩ. Bởi tờ báo có hai vai, hai chức năng vừa là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
Với trách nhiệm ấy, người làm báo Quân đội Nhân dân trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước, trong chiến tranh, vừa cầm bút vừa cầm súng, trực tiếp “đọ bút với quân thù”, thời bình cũng là lực lượng nhà báo dấn thân, xung kích.
Có rất nhiều tấm gương nhà báo – chiến sĩ đã trở thành anh hùng, trong chiều dài lịch sử của tờ báo có 8 liệt sỹ chống Pháp, 1 liệt sỹ chống Mỹ và 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Họ là những tượng đài của quá khứ sống mãi trong lòng các thế hệ làm báo hôm nay.
Và câu nói nổi tiếng của nhà báo Lê Đình Dư: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù” vẫn như lời hiệu triệu vọng về từ truyền thống, có sức lay động tâm can, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quyết tâm tiêu diệt quân thù, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Quan trọng là nuôi dưỡng phát huy bản sắc…
Có thể nói, có rất nhiều cách để tiếp lửa truyền thống, động viên khuyến khích lớp trẻ thông qua những cuộc toạ đàm, hội thảo nghiệp vụ mà Báo hoặc giao cho Liên Chi hội nhà báo tổ chức… Tất cả những hoạt động đó đều phải hướng đến việc gìn giữ, giá trị cốt lõi của người làm báo Quân đội Nhân dân đó là tinh thần dấn thân, vì nhân dân phục vụ, hướng đến sứ mệnh ban đầu của tờ báo. Và quan trọng hơn cả phải là sự kế thừa phát huy sứ mệnh, bản sắc của tờ báo trong bối cảnh mới.
Nhà báo Lê Ngọc Long cũng chia sẻ rằng: “Phẩm chất của của người lính đáng quý ở chỗ xông pha, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, luôn có mặt ở những vùng sâu vùng, vùng xa nơi hiểm nguy nhất và cũng sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần…Điều đó đã trở thành một giá trị được trao truyền tiếp nối đến ngày nay…”.
Giá trị trao truyền ấy không chỉ là những câu chuyện kể mà đã trở thành những hành động thiết thực, thấm đẫm vào công tác tác nghiệp thời chiến, thời bình. Câu chuyện “đại bản doanh” của cách đây 70 năm, trong suốt 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo QĐND sản xuất, phát hành ngay tại mặt trận… là một bài học quý giá để năm nay, trong dịp tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã tổng lực triển khai nhiệm vụ với lực lượng đông đảo, ngoài số phóng viên thường trú tại Tây Bắc, BBT Báo QĐND đã tổ chức thành 5 tổ phóng viên tinh nhuệ, bảo đảm phản ánh đầy đủ, sinh động, toàn diện các nội dung, sự kiện; đồng thời phát huy được lợi thế là cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện…
“Việc tổ chức tòa soạn tiền phương tại Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với tòa soạn chính tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên không chỉ là nét đặc sắc trong tổ chức làm báo của Báo QĐND trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn để lại cho thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND nhiều bài học quý. Đó chính là tinh thần dấn thân trong làm báo; sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức làm báo; giá trị thông tin từ việc bám sát cơ sở, viết và sống cùng cơ sở; việc huy động sức mạnh của các lực lượng tham gia làm báo…
Với tinh thần Điện Biên và tinh thần làm báo ở Điện Biên của 70 năm trước, trong tổ chức nhiệm vụ tuyên truyền hiện nay, Báo QĐND luôn thực hiện nhất quán chủ trương: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vì Nhân dân. Rõ ràng là truyền thống đầy tự hào ấy, đã và đang “thắp lửa” cho những nhà báo – chiến sĩ của Báo QĐND hôm nay” – Nhà báo Lê Ngọc Long khẳng định.
Thắp lửa cho những người làm báo,… chính là phát huy tinh thần nhà báo chiến sĩ vào trong hoạt động. Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân tự hào rằng, trước những thách thức rất lớn của nền kinh tế thị trường, cùng sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin giữa báo chí chính thống và mạng xã hội, những người làm báo Quân đội Nhân dân luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, không có hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm tiêu chí văn hoá báo chí…
Các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ; các nội dung tin bài bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, phản ánh kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bộ đội và Nhân dân, đồng thời phản hồi những ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với Đảng, Nhà nước. Báo QĐND thực sự trở thành nhịp cầu giữa Đảng với dân.
“Tự hào về truyền thống là yếu tố cần gìn giữ nuôi dưỡng nhưng cũng cần phải khẳng định vị thế của chúng ta trong thời kỳ mới. Có đồng chí nói rằng: Nếu chúng ta mãi sống bằng ánh hào quang của quá khứ thì sẽ trượt dài trong hiện tại … ” – đại tá Lê Ngọc Long khẳng định thêm như vậy.
Ông cũng chia sẻ rằng, trước hành trình mới, làm thế nào để truyền thống vinh quang luôn được gìn giữ ở tờ báo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 lần nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác…? sẽ luôn đòi hỏi nỗ lực không ngừng của các thế hệ nhà báo – chiến sĩ hôm nay và mai sau. Và trên tất cả, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tờ báo Quân đội Nhân dân luôn tự hào với giá trị truyền thống bất biến, là tờ báo anh hùng trong kháng chiến và cũng là tờ báo anh hùng trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo Minh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tu-truyen-thong-anh-hung-den-phat-huy-ban-sac-post309779.html