Chia sẻ về hành trình đầy ý nghĩa này, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) khẳng định: Lần đầu tiên trên thế giới có một mô hình hợp tác như vậy!
PV: Thưa ông, sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường. Cùng với BĐKH, đây có thể coi là mối đe dọa “kép” tới đời sống người dân. Vậy người dân ở các tôn giáo của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ những vấn đề này như thế nào và họ ứng phó ra sao?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) là những vấn đề toàn cầu. Ở mỗi quốc gia, dân tộc, tôn giáo, do có những đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa và trình độ phát triển kinh tế, những tác động từ môi trường và BĐKH sẽ khác nhau và việc ứng phó cũng khác biệt.
Tuy vậy, trong cái riêng lại có cái chung. Họ chung nỗi lo, như ô nhiễm môi trường, sự thay đổi của khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn, nước biển dâng. Họ chung tác động đến canh tác nông nghiệp và các hình thức phát triển kinh tế. Ví dụ, trước đây người dân trồng lúa, nhưng do BĐKH, họ phải chuyển sang nuôi tôm hay kết hợp lúa – tôm…
Đó là cái chung trong thực tiễn. Còn sâu xa hơn, giữa các tôn giáo còn có sự tương đồng về triết lý bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Tôi nhận thấy rằng, các tôn giáo hiện nay có cách tiếp cận về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH rất hiện đại: tiếp cận theo hướng sinh thái nhân văn. Các tôn giáo đặt con người vào trong hệ sinh thái tự nhiên chứ không đặt bản thân con người ở bên ngoài hệ sinh thái. Khi đã đặt con người vào trong hệ sinh thái tức là con người là một phần không thể tách rời của tự nhiên, được hưởng lợi từ hệ sinh thái tự nhiên và có trách nhiệm phải bảo vệ tự nhiên. Như vậy, con người và tự nhiên có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau về tồn vong và phát triển.
PV: Từ cách tiếp cận theo hướng sinh thái nhân văn, các tôn giáo đã thể hiện trong đời sống như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Tôi thấy rằng, việc các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH bằng các hoạt động cụ thể là dẫn chứng sinh động nhất cho vấn đề này. Ví dụ, ở Phật Giáo, người ta đặt ra vấn đề phóng sinh như thế nào cho phù hợp? Gần đây, nhiều nhà chùa đã hướng dẫn cho cho Phật tử phóng sinh những động vật bản địa, không phải động vật ngoại lai. Ở các cơ sở thờ tự, tuyên truyền cho người dân không sử dụng túi nylon và nhựa dùng một lần, không đốt vàng mã…
Để hình thành thói quen, thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH trong các tôn giáo ở Việt Nam, tôi cho rằng, các tôn giáo đã thực hành rất tốt việc lồng ghép các nội dung này trong sinh hoạt tôn giáo. Chính vì vậy, ở mỗi cộng đồng tôn giáo, việc bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH đã được cảm nhận và thực hiện một cách hết sức tự nhiên. Đó là con đường nhanh nhất để giúp con người sống tốt hơn, đẹp hơn và hài hòa hơn với tự nhiên.
PV: Một minh chứng cho tinh thần sống đẹp, hài hòa đó có lẽ là việc 14 tôn giáo đã đã cùng Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký cam kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020). Chương trình này đã được triển khai ra sao và đạt kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Tôi phải nhấn mạnh rằng, quy chế phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH giữa 14 tôn giáo và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT là một trong những chương trình đầu tiên trên thế giới có mô hình kết hợp như vậy. Đây là niềm tự hào, cho thấy sự đồng thuận một cách tự nguyện của chính quyền và các tôn giáo chung tay vì môi trường xanh đất nước.
Nhìn nhận lại 5 năm triển khai quy chế phối hợp, tôi tin rằng, kết quả đạt được tốt nhất là nhận thức của các tôn giáo, các nhóm cộng đồng tham gia vào bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Thông qua chương trình phối hợp đó, các chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng phó biến đổi của khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và lối sống thân thiện với môi trường đến người dân một cách rất hiệu quả. Từ đó, nhiều hoạt động rất thiết thực đã được triển khai thường xuyên ở các tôn giáo. Như vậy, kết quả của Chương trình 5 năm qua đã vượt ngoài niềm mong đợi của chúng ta.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, các tôn giáo đã
xây dựng được hơn 2.000 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa
phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển
biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều
chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng.
PV: Tiếp nối thành quả của Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH (giai đoạn 2015-2020), cuối năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2026. Xin ông cho biết rõ hơn về Chương trình này?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Chương trình giai đoạn 2 được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết và rút kinh nghiệm của giai đoạn trước. Chúng tôi đã đưa vào những nội dung mà chúng ta cần phải làm tiếp như những mô hình đã được triển khai hiệu quả, cần được lan tỏa. Đặc biệt, các nội dung trong thời gian tới cần được tập trung thực hiện như: đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, thông qua các hoạt động như phân loại rác tại nguồn, huy động mạnh mẽ hơn xã hội hóa, sự tham gia của nhiều các thành phần trong xã hội vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện cam kết về đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
PV: Để thực hiện các nội dung trên, công tác tuyên truyền thông đóng vai trò quan trọng. Vậy truyền thông về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH tới các tôn giáo của Việt Nam có điểm gì đặc biệt và cần triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Để hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng thật sự đi vào hiệu quả, theo tôi, có 2 yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất, phải huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, tức làm sao những chương trình truyền thông phải gắn với thực tế đời sống, gắn với sinh kế, với những cái vấn đề mà các nhóm cộng đồng và người dân người ta đang đang phải đối diện thì họ sẽ tự nguyện tham gia. Thứ hai, các chương trình đó phải mang lại lợi ích cho cộng đồng.
PV: Bộ TN&MT với vai trò quản lý Nhà nước sẽ đồng hành với các tôn giáo như thế nào để làm sao mà thúc đẩy các hoạt động xanh, tạo nên sự chuyển đổi xanh trong toàn xã hội, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Dũng:
Việc đầu tiên mà Bộ TN&MT thực hiện là hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh một cách có hệ thống, toàn diện, trong đó, có cách công cụ chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vê môi trường, ứng phó BĐKH.
Cùng với đó, Bộ TN&MT đã, đang và sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tôn giáo thực hiện tốt Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2026.
Thông qua chương trình này, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hội viên, đoàn viên là tín đồ các tôn giáo và Nhân dân hưởng ứng các nội dung về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Nếp sống vệ sinh, xanh, sạch, đẹp, thói quen bớt xả rác, ăn uống hợp vệ sinh và bảo đảm sức khỏe; hưởng ứng các phong trào xanh: “Chủ nhật xanh”, trồng cây, trồng rừng, xanh đồng, sạch ngõ, sạch nhà, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, không lạm dụng đốt rơm rạ, đốt vàng mã, rải tiền vàng mã, nhang hương gây ô nhiễm; vận động nhân dân hưởng ứng hỏa táng, chôn cất đúng nơi qui định, hạn chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời mái nhà, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!