Sau 3 năm có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2023), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.
EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các nông, thủy sản cũng như sản phẩm Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh! (Nguồn: CT) |
Cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đặc biệt, khi được đưa vào thực thi, EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản cũng như những sản phẩm Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác. Ngoài ra, gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA trong khi con số này chỉ gần 25% vào năm 2020. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định (14,2% vào năm 2021 và 16,7% vào năm 2022).
Đáng lưu ý, 3 năm qua, với việc thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% sau khi EVFTA có hiệu lực, người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn.
Giá nhiều sản phẩm nông sản từ châu Âu như rau củ quả, sữa và ngũ cốc đã giảm, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Ngoài ra, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị từ châu Âu bắt đầu giảm theo lộ trình cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng có tác động quan trọng đến Việt Nam về mặt lợi ích xã hội. Các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu nói chung đã có sự tăng trưởng sau khi Hiệp định được áp dụng, góp phần cải thiện thu nhập và tạo ra việc làm ổn định và bền vững hơn cho người lao động. Hơn nữa, người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau 3 năm đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong việc thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên.
Mặc dù khởi động thực thi lúc hai bên đều trải qua giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19, nước Anh rời khỏi EU (Brexit) gây ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi thương mại và đầu tư của khu vực nhưng quan hệ thương mại và đầu tư hai bên vẫn có những bước phát triển đáng kể, nhất là về thương mại. Qua đó, có thể nhận thấy, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.
Chia sẻ về những tác động to lớn mà Hiệp định EVFTA mang lại, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Hiệp định đã tính đến những yêu cầu phát triển của Việt Nam thông qua việc dành cho Việt Nam một khoảng thời gian dài hơn (10 năm) để xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ EU.
Theo quy định của Hiệp định EVFTA, kể từ 31/12/2022, kết thúc áp dụng Chương trình Ưu đãi Phổ cập (GSP) mà EU dành cho Việt Nam và toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU áp dụng theo quy định về quy tắc xuất xứ của EVFTA.
Trao đổi với Báo Thế giới & Việt Nam, TS. Nguyễn Thái Chuyên, Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cho hay, sau 3 năm kể từ khi EVFTA được thực thi, đã có nhiều mặt hàng khá thành công trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào thị trường EU hàng năm trong suốt 3 năm qua gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, cà phê, sắt thép và hải sản.
Hầu hết các mặt hàng này đã có mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sắt thép với mức tăng trưởng vượt qua 844% trong năm 2021 so với năm 2020 và hơn 634% trong năm 2022 so với năm 2020.
TS. Nguyễn Thái Chuyên, Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT. (Ảnh: NH) |
Tuy nhiên, theo ông Chuyên, mặt hàng điện thoại và linh kiện đã ghi nhận sự giảm sút lần lượt là 9,5% vào năm 2021 và 15,7% vào năm 2022 so với năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguyên liệu đầu vào do thị trường Trung Quốc đóng cửa bởi dịch Covid-19, căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thêm điều đáng nữa tiếc là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chưa đạt được kỳ vọng như rau củ quả, thủy sản và gạo… Mặc dù có mức tăng trưởng khá tốt nhưng những mặt hàng này hiện tại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của EU đối với các mặt hàng đó.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU từ Ủy ban châu Âu (EC), dẫn đến khó khăn nhiều mặt cho mặt hàng này. Do đó, vẫn còn dư địa lớn để Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng này sang EU.
Ngoài ra, một số mặt hàng chưa có dấu hiệu tăng trưởng sau khi Hiệp định được thực thi, chẳng hạn như giấy và sản phẩm từ giấy cùng với hạt điều.
Làm gì để hưởng lợi tối đa?
Sau 3 năm Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được ưu đãi mà ngay cả doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết cũng đang được hưởng lợi thuế quan từ hiệp định này.
Theo kết quả Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 được EuroCham Việt Nam công bố, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế đã tăng 2%, nâng tổng số doanh nghiệp dự đoán điều này lên gần một phần ba. Đáng lưu ý, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hưởng lợi từ hiệp định; trong đó, 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan.
Để tận dụng tối ưu lợi ích từ Hiệp định và giảm thiểu thách thức, ông Nguyễn Thái Chuyên cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường kết nối trong chuỗi cung ứng, bám theo xu thế tiêu dùng và tăng cường khả năng sáng tạo; đồng thời áp dụng giải pháp đi kèm và tương tác trực tiếp, liên tục, nhanh chóng với khách hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm vững pháp lý, thiết lập liên kết với cơ quan quản lý và tư vấn từ chuyên gia để nhận được sự hỗ trợ. Việc kết nối giữa doanh nghiệp cũng là điều cần thiết để tạo nên sức mạnh và tiết kiệm chi phí, đồng thời tránh được rủi ro từ thị trường nước ngoài.
Đồng quan điểm này, theo ông Vũ Anh Sơn, doanh nghiệp cần thể hiện sự đoàn kết, xây dựng được cộng đồng chia sẻ thông tin rộng để cùng nhau phát triển và “bọc lót” lẫn nhau trong những gian đoạn thiếu nguồn cung tới các thị trường châu Âu.
Hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mực tới thị trường châu Âu do đặc thù khó và cần nhiều thời gian, tiền bạc đầu tư ban đầu. Ngoài ra, xu thế tiêu dùng hướng tới chuỗi cung ứng ngắn ngày càng phát triển, ngoài việc thúc đẩy tiêu dùng sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa Việt Nam nếu không có sự quan tâm đúng mực và tuyên truyền và quảng bá.
Vì vậy, ông Vũ Anh Sơn lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải liên tục cập nhật thông tin và nhanh chóng thay đổi để có thể bắt kịp các xu thế này. Tuy nhiên, sự thay đổi có gắn kết chặt chẽ nhiều ngành nghề với nhau vì vậy việc này trở nên càng khó khăn, thách thức hơn với doanh nghiệp.