Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Quốc hội diễn ra tuần qua, một thông tin khiến người dân rất vui và tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ là kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đã lập kỳ tích, đạt 8,02%, một con số mà ít quốc gia trên thế giới đạt được, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; các nền kinh tế hàng đầu phải chống chọi với nhiều khó khăn như lạm phát, giá năng lượng, lương thực biến động phức tạp, khó lường…
Còn nhớ những năm 2020, 2021, khi dịch COVID-19 “tấn công” khiến nhiều người dân tử vong, một không khí hỗn loạn bao trùm khắp cả nước. Song, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, địa phương… với nhiều đường lối, biện pháp đúng đắn, thống nhất từ trên xuống dưới, chúng ta đã sớm ổn định được tình hình. Khi đã chủ động được tình hình, tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Và kết quả đạt được trong năm qua, cũng bắt nguồn từ sự nỗ lực trong những năm cam go đó.
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cũng rất ấn tượng về con số tăng trưởng của Việt Nam và cho rằng, chúng ta đã chủ động nắm bắt những thách thức để chủ động xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Kết quả đó tiếp tục tạo đà cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Số liệu tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ mới đây cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI cả nước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thị trường tiền tệ, giá cả ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Đáng chú ý là trong 5 tháng đầu năm nay, có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Một trong những quan tâm hiện nay, là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ… đơn hàng giảm, công nhân thiếu việc làm, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế của các nước. Song, đây cũng chỉ là những khó khăn tạm thời, bởi so với giai đoạn khi đại dịch COVID-19 hoành hành, thì những khó khăn này có thể vượt qua.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo đó, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh… Công bố dựa trên cơ sở tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm nay giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp; trong đó, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiếp tục đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.